Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng QL15B đoạn từ ngã ba Đồng Lộc đến QL1 có chiều dài 11,3km, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ đầu năm 2018 và đến nay nhiều gói thầu cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án này đã xuất hiện nhiều khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, đặc biệt là phản ánh của người dân về một đoạn đường được uốn cong rất khó hiểu.
Anh Phan Quốc Thông (trú tại thôn Trà Dương) cho hay, gia đình anh bị thu hồi gần 40m2 đất, đường làm xong nằm ngay phía sân trước nhà, không có hành lang, không có cống thoát nước. Gia đình anh chỉ cần bước ra khỏi sân sẽ chạm ngay mép đường.
Ngược lại, phía bên kia đường (phía bắc) dù đã giải tỏa nhưng diện tích đất được sử dụng rất ít, để lại một khoảng trống lớn.
Đoạn đường ăn về phía nam sát nhà dân, không còn đất làm cống thoát nước và hành lang
Cũng ở thôn Trà Dương, anh Phan Như Phúc phản ánh, đối diện với nhà anh phía bên kia đường có 3 hộ dân, mỗi hộ nhận gần 1 tỷ đồng để giải tỏa nhà cửa lấy đất làm đường, nhưng thực tế chỉ một phần diện tích đất nhỏ được sử dụng.
Những hộ dân nằm trong diện giải tỏa và nhận số tiền đền bù lớn gồm: hộ ông Nguyễn Duy L. (nhận 860 triệu); ông Nguyễn Đăng D. (gần 1 tỷ); ông Nguyễn Bá Th. (hơn 820 triệu)…
Chưa dừng lại ở đó, tuyến đường không đi qua phần đất đã giải tỏa phía bắc mà bị uốn về phía nam nên để hiện ra một vòng cua lớn hơn so với tuyến đường cũ.
Phía bắc còn dư khoảng đất lớn nhưng không làm đường khiến cho con đường bị uốn cong
“Lẽ ra khi thu hồi đất của các hộ dân phía bên kia đường, người ta làm đường lên chỗ đất giải tỏa đó thì tuyến đường này thẳng hơn. Đằng này không hiểu sao lại lấn về phía nam làm cho tuyến đường trước đã cong nay càng cong thêm", anh Thông nói.
Do điều chỉnh thiết kế?
Việc giải phóng mặt bằng tuyến QL15B trên địa phận huyện Can Lộc được chủ đầu tư giao cho Hội đồng bồi thường huyện thực hiện.
Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết, dự án đi qua huyện có chiều dài 6,5km, ảnh hưởng phần đất và nhà của 570 hộ dân với số tiền bồi thường hơn 60 tỷ đồng.
“Huyện chỉ đảm nhiệm vai trò GPMB và bồi thường theo hồ sơ. Còn việc thiết kế, cắm mốc bồi thường đều do chủ đầu tư (Sở GTVT) thực hiện”, ông Cường nói.
Trong quá trình GPMB, huyện đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân, đặc biệt tại các đoạn cong trên tuyến đường qua thôn Trà Dương.
Ông Cường thẳng thắn: "Quá trình giải phóng tại đây chúng tôi cũng nhận thấy có sự bất cập về đoạn đường cong này và đã có ý kiến".
GPMB, thi công dự án kiểu bên lồi bên lõm
Giám đốc BQLDA Trần Văn Tùng cho biết, dự án này do công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 8 lập dự án, công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT 4 thiết kế.
Sau khi lập dự án, có quyết định phê duyệt thì dựa vào hồ sơ dự án, các đơn vị đã triển khai cắm cọc mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thiết kế bản vẽ thi công có sự điều chỉnh ăn về phía nam trung bình 1,5m, nên Ban QLDA kiểm tra đã cắm lại mốc bổ sung và bàn giao lại cho huyện Can Lộc để giải phóng mặt bằng.
Theo ông Tùng, tuyến đường này trước đây nhiều đoạn quanh co, riêng đoạn người dân phản ánh trước có hai đường cong, bây giờ thiết kế một đường cong phủ lên hai đường cong đó sẽ hài hòa, an toàn hơn.
“Quá trình thi công đều theo yêu cầu thiết kế, không phải mình chỉnh như thế nào thì chỉnh, chỉ cần xê dịch vài phân cũng phải xin ý kiến của Bộ”, ông Tùng cho hay.
Liên quan đến việc nhiều hộ dân nhận gần tỷ đồng nhưng khi đường cơ bản hoàn thành thì nhà cửa của các hộ này vẫn giữ nguyên, ông Lê Việt Hoà, Phó BQLDA cho hay, tới đây tiếp tục làm mương và hành lang an toàn trên diện tích đất thu hồi trước đó.
Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA, bờ phía nam đã hết đất làm mương thoát nước và hành lang nên tới đây sẽ tiếp tục thu hồi thêm đất.