Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, một doanh nhân tinh quái từng bị kết án, trở về nước hôm 13-7 trong sự đắc thắng. Trong nước, ông vẫn là chính khách nổi tiếng nhất, cũng như đại diện cho cơ hội tốt nhất để Pakistan sớm trở thành một đất nước "bình thường".
Khi chính trị gia này chống lại điều có vẻ là một nỗ lực của quân đội Pakistan nhằm định đoạt cuộc bầu cử diễn ra hôm 25-7, nhiều người hy vọng ông thành công.
Sự thật là cả ông Sharif lẫn quân đội đều không thật sự tranh cử. Các tướng lĩnh Pakistan không cần dính líu trực tiếp tới cuộc tổng tuyển cử lần này. Họ lâu nay vẫn sử dụng lực lượng ủy nhiệm ở Afghanistan và Ấn Độ và dường như tin rằng mình có thể làm điều tương tự tại chính trường trong nước. Trong trường hợp này, nhân vật được chọn mặt gửi vàng là cựu danh thủ cricket Imran Khan, vốn nuôi tham vọng ngồi vào ghế thủ tướng suốt 20 năm qua.
Trong khi đó, ông Sharif không được phép tham gia tranh cử sau khi bị phế truất vào năm ngoái. Nhà độc tài quân sự Mohammad Zia Ul-Haq, người lãnh đạo Pakistan những năm 1980, trong nỗ lực Hồi giáo hóa Hiến pháp đã đưa vào một điều khoản đòi hỏi tất cả nhà lập pháp phải "lương thiện và ngay thẳng".
Hồi tháng 4 vừa rồi, 5 thẩm phán của Tòa án Tối cao Pakistan đã ra phán quyết rằng nhân vật từng 3 lần làm thủ tướng và có thể đang trên đà tái đắc cử này là người duy nhất trong lịch sử đáng bị loại khỏi cuộc chơi cả đời theo điều khoản đó.
Thêm vào đó, một tòa án gần đây còn kết án ông Sharif - chính khách xuất thân từ một gia đình thương gia giàu có - 10 năm tù giam vì không giải thích thuyết phục việc mua một số căn hộ đắt tiền ở thủ đô London - Anh từ nhiều thập kỷ trước.
Lúc bản án được công bố, ông Sharif đang ở London thăm người vợ ngã bệnh và nhiều người tưởng ông sẽ yên phận sống lưu vong. Thay vào đó, ông quyết định quay về.
Hạ cánh tại TP Lahore hôm 13-7 giữa lúc những người ủng hộ trung thành với đảng của ông đang bị bắn hơi cay trong thành phố, ông Sharif và con gái bị đưa thẳng tới nhà tù gần TP Rawalpindi, nơi đặt tổng hành dinh quân đội nước này.
Nói gì thì nói, ông Sharif là một nhân vật gây tranh cãi. Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của ông từng có một lịch sử bợ đỡ những người theo trào lưu chính thống tôn giáo. Ngoài ra, không phải bất kỳ cáo buộc tham nhũng nào nhằm vào gia đình ông đều là âm mưu bôi nhọ uy tín mà quân đội Pakistan tiến hành.
Dù vậy, đây vẫn là nhân vật được hy vọng sẽ thắng lợi trong trận chiến với quân đội và các cơ quan tình báo đang tìm cách kiểm soát Pakistan. Ông Sharif sẽ không đời nào đặt niềm tin vào một thể chế quân sự chưa bao giờ để cho mình đi hết một nhiệm kỳ thủ tướng nào. Về phía quân đội, họ xem nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế do lĩnh vực tư nhân dẫn đầu của ông Sharif là mối đe dọa thực sự đối với những lợi ích cố hữu của mình. Quân đội cần Pakistan tiếp tục nghèo nàn, phụ thuộc và bất mãn. Ông Sharif đe dọa phá vỡ điều đó.
Nhiều người sẽ tranh cãi chuyện uy tín của ông Sharif không liên quan tới bầu cử; nền pháp trị và sự tôn trọng các thể chế đòi hỏi ông bị đưa thẳng nhà tù trong âm thầm. Nhưng thẳng thắn mà nói, tranh cãi như vậy quả là nực cười trong bối cảnh Pakistan. Lịch sử quốc gia này gần đây cho thấy sự dễ dàng đến mức nào để biến các thể chế dân chủ - truyền thông, tòa án, các cơ quan chống tham nhũng - chống lại dân chủ tự do.
Bầu cử sẽ không thể tự do nếu không công bằng. Và cuộc bầu cử ở Pakistan còn lâu mới được xem là công bằng. Ông Shahbaz Sharif, em trai của ông Nawaz Sharif và là người đứng đầu chính quyền tỉnh lớn nhất nước, mô tả cuộc bầu cử được chính phủ do quân đội hậu thuẫn là "sự gian lận trần trụi".
Mạng xã hội Twitter tràn ngập cáo buộc từ những người khẳng định đã nhìn thấy giới chức xé bỏ các tài liệu tranh cử của đảng PML-N nhưng lại không đụng đến tài liệu của ứng viên Khan. Những ứng viên đối thủ của ông Khan cũng không được cấp phép tuần hành.
Môi trường truyền thông trong nước cũng có vẻ ngột ngạt. Chủ của tờ báo được đánh giá cao nhất Pakistan - Dawn - buộc phải phàn nàn trên tờ The Washington Post (Mỹ) về "một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ" vào tự do báo chí. Giới chức quân sự công khai liệt một số nhà báo vào danh sách đe dọa an ninh quốc gia trong khi những người khác bị bắt cóc và bị tấn công.
Sự sợ hãi khiến việc tự kiểm duyệt trở thành tiêu chuẩn. Kênh truyền hình cáp được nhiều người theo dõi nhất Geo buộc phải tạm ngừng hoạt động do sức ép của nhà chức trách. Geo chỉ được phát sóng trở lại sau khi cam kết thay đổi cách đưa tin về chính trị. Trong một thỏa thuận với quân đội, Geo được cho là đã nhất trí nghiêng nhiều hơn về quân đội và Tòa án Tối cao, đồng thời phải công kích ông Sharif.
Sau tất cả những diễn biến như vậy, nếu ông Khan thắng cử, chính phủ của ông sẽ một lần nữa đối mặt với thực tế lâu nay - khủng hoảng tín nhiệm!