Tin liên quan
Theo giới chuyên môn, với quy trình tiếp xúc, đánh số cho mẹ và con như hiện nay, việc giao nhầm con ở cơ sở y tế chỉ là chuyện hy hữu. Thế nhưng, việc không ít trường hợp nhầm con được phát hiện sau nhiều năm khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.
Sinh bé gái, nhận bé trai
Theo anh Trần Quốc Hậu (38 tuổi ở quận Ba Đình, TP Hà Nội), 4 năm trước, do là người hợp tuổi nhất với đứa con sắp chào đời tại một bệnh viện (BV) ở Hà Nội nên anh đi đón con. Anh Hậu háo hức chờ sẵn ngoài cửa phòng sinh. Cửa mở, cô y tá bế bé ra thông báo: Con trai, 3,2 kg. "Tôi giật mình vì nhiều lần siêu âm trước khi sinh là con gái nên nhờ cô y tá kiểm tra lại. Cô ấy vội bế bé trai vào và bế một bé gái ra cho tôi xem tay, mặt. Lúc ấy, nếu là một bé gái thì không loại trừ tôi cũng là nạn nhân của vụ nhận nhầm con" - anh Hậu kể.
Cho đến thời điểm này, vụ việc anh Phùng Giang Sơn (ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội) tố BV Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con trai cho gia đình anh cách đây 6 năm vẫn gây xôn xao dư luận. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng đây là sự việc hy hữu, đáng tiếc do ê-kíp trực sinh hôm đó đã tắc trách, làm ẩu. Hậu quả là đã gây ra tổn thương, ám ảnh quá lớn cho 2 gia đình. Có lẽ vì quá sốc nên chị Vũ Thị Hương - người mẹ bị trao nhầm con - chưa thể quyết định việc hoán đổi con tại thời điểm này.
Câu chuyện trớ trêu ở BV Đa khoa huyện Ba Vì cũng khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi nhớ lại sự việc nhầm con tương tự ở tỉnh Bình Phước khi đã có lúc gia đình nhận nhầm con (ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) không chịu "trao đổi" đứa con bị nhầm lấy đứa con "máu mủ". Theo phân tích của nhiều chuyên gia tâm lý, đó là vì tình cảm yêu thương với đứa con mà họ nuôi nấng nhiều năm đã vượt lên cả lý trí, khiến người mẹ, người cha chưa thể chấp nhận sự thật.
Quy trình ngày càng chặt
Nói về nguy cơ trả nhầm con tại các cơ sở y tế hiện nay, PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản trung ương, cho biết việc trao nhầm con ở nhà hộ sinh rất hy hữu, có chăng chỉ xảy ra trước đây khá lâu. Tại BV Phụ sản trung ương, có ngày lên đến hàng trăm ca sinh, trung bình mỗi năm khoảng 22.000-25.000 ca nên quy trình an toàn trẻ sơ sinh phải rất thận trọng. Để tránh nhầm lẫn, trước đây, trẻ sơ sinh được đeo vòng cổ có mã số cùng với vòng đeo tay của mẹ nhưng nhiều năm nay, BV đã áp dụng quy trình "da kề da" sau khi em bé chào đời, y tá sẽ đeo 2 cái vòng bằng nhựa mềm ghi tên mẹ có mã số giống nhau, đưa cho mẹ kiểm chứng rồi bấm vào cổ tay mẹ, cổ tay (cổ chân) con. Quy định bé gái màu hồng, bé trai màu xanh. Trên mỗi vòng đeo điền đủ thông tin về mã số bệnh án, tên mẹ, tên con. Nếu người mẹ có vấn đề hoặc hôn mê sẽ trao con cho người nhà ruột thịt đã được sản phụ xác nhận trước đó.
Trấn an các bà mẹ sắp sinh rằng sự số trao nhầm con là chuyện cực kỳ hy hữu, PGS-TS Phạm Bá Nha, Trưởng Khoa Phụ sản BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết BV từng có rất nhiều cách để "đánh dấu" trẻ sơ sinh, tránh nhầm lẫn khi trao con. Trước đây, nhân viên dùng bút mực đánh dấu vào mông và đưa số cho mẹ giữ, sau đó BV dùng mã số bằng nhôm đeo cho trẻ. Cách đây 5 năm, BV này đã dùng vòng nhựa mềm có nút cố định trên dây điền đầy đủ mã số hồ sơ của mẹ, họ tên mẹ, họ tên con. Dây này có bấm nút cố định nên phải dùng kéo cắt mới lấy ra được nên các gia đình hoàn toàn yên tâm" - PGS-TS Nha .
Là cơ sở y tế đón số lượng trẻ chào đời lớn nhất miền Bắc, theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ A2 BV Phụ sản Hà Nội, hiện BV sử dụng hình thức vòng định danh có đánh mã số, mã vạch của bà mẹ và em bé. Ngay sau khi trẻ chào đời, điều dưỡng sẽ điền các thông tin trên thẻ theo hồ sơ bệnh án và hỏi lại mẹ để kiểm tra thông tin một lần nữa trước khi cắt dây rốn. Sau đó, tách thẻ thành 2, một bấm vào tay mẹ, còn lại bấm vào chân con. "Chiếc vòng này sẽ theo mẹ và bé suốt thời gian nằm viện. Do được viết bằng mực chuyên dụng nên kể cả khi tắm rửa thì thông tin trên vòng cũng không bị mờ. Khi trả trẻ cho mẹ, nhân viên y tế ngoài so mã số giữa mẹ và con sẽ phải đối chiếu với hồ sơ bệnh án một lần nữa. Quy trình này cũng áp dụng vào mỗi sáng khi điều dưỡng trao trả lại bé sau lúc tắm" - bác sĩ Khải nói.
bệnh viện và gia đình cơ bản chốt số tiền đền bù
Ngày 15-7, anh Phùng Giang Sơn - một trong 2 gia đình bị trao nhầm con 6 năm trước - cho biết sáng cùng ngày, chị Vũ Thị Hương (người mẹ bị trao nhầm con với gia đình anh) đã đưa cháu Đoàn N.M về quê chơi. Nhân dịp này, gia đình anh đã mời gia đình chị Hương cùng cháu M. ăn bữa cơm trưa, rồi cùng về nhà chị Hương ở quê.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Đa khoa huyện Ba Vì, cho biết: "BV cũng đã cơ bản thống nhất với những yêu cầu của hai gia đình về số tiền đền bù 300 triệu đồng. Trong ngày 16 hoặc 17-7, BV và hai gia đình sẽ làm việc để chốt lại. Sau khi thỏa thuận đền bù cho hai gia đình xong xuôi mới tính đến làm việc với 2 nữ hộ sinh đã mắc lỗi trong quá trình trao trả con. BV không ép buộc 2 nữ hộ sinh trả số tiền bao nhiêu mà sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận".