Cất tàu chiến đi và dùng các tàu nhỏ tuần tra chung ở Biển Đông là công thức duy trì hòa bình mà Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Nhà lãnh đạo 92 tuổi nói với tờ South China Morning Post:
"Tôi nghĩ không nên có quá nhiều tàu chiến. Tàu chiến tạo ra căng thẳng.
Một ngày nào đó, ai đó có thể phạm sai lầm và sẽ có một trận chiến, một số tàu sẽ biến mất, và có thể có một cuộc chiến tranh. Chúng tôi không muốn điều đó.
Có một số bãi đá chúng tôi đã xây dựng thành các hòn đảo.
Và chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ ở trên những hòn đảo này, bởi vì đó là một phần trong việc bảo vệ vùng biển của chúng ta an toàn khỏi những tên cướp biển và những người khác.
Vì vậy chúng tôi muốn giữ lại, tất nhiên, khoảng bốn hoặc năm hòn đảo mà chúng tôi chiếm đóng. Phần còn lại, bất cứ ai nghĩ đó là của họ, họ có thể chiếm đóng.
Đáng chú ý là, nếu Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là của họ, thì những hòn đảo đó luôn được coi là của chúng tôi trong một thời gian dài, vì vậy chúng tôi muốn giữ lại chúng."
Đó là câu trả lời của Thủ tướng Mahathir Mohamad trước câu hỏi của South China Morning Post xoáy vào việc, quan điểm nội các của ông về Biển Đông có khác với "giai điệu nhẹ nhàng" của chính phủ tiền nhiệm Najib Razak hay không.
Malaysia đang chiếm đóng ít nhất 5 cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), những hòn đảo này nằm bên trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách (vô lý, phi pháp).
Các nhà quan sát xem Biển Đông như một thùng thuốc súng bởi việc quân sự hóa nặng nề của Trung Quốc, trong khi Mỹ điều chiến hạm đến khu vực này để duy trì tự do hàng hải.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: SCMP.
Mahathir Mohamad nói rằng, cách tốt nhất để giữ hòa bình ở Biển Đông là cất chiến hạm đi, dùng những chiếc tàu nhỏ đủ trang bị đối phó với cướp biển chứ không phải chống lại một quốc gia khác, để tuần tra chung.
Tất nhiên thành phần tham gia là các nước ASEAN quanh Biển Đông, nhưng nếu Trung Quốc muốn tham gia với những chiếc thuyền nhỏ, họ được chào đón.
Bất kỳ ai, kể cả Hoa Kỳ muốn tham gia đều được, nhưng không mang theo chiến hạm.
Khi được hỏi ông có tin rằng Trung Quốc sẽ duy trì Biển Đông là một vùng biển mở hay không, Thủ tướng Malaysia cho biết:
"Duy trì Biển Đông mở là lợi ích của Trung Quốc, bởi vì đằng sau đó bạn sẽ có nhiều lợi ích thương mại.
Bạn không thể hy vọng rằng tất cả hàng hóa đến Trung Quốc phải chuyển sang tàu Trung Quốc trước khi qua eo biển Malacca và Biển Đông.
Hàng hóa từ châu Âu và Mỹ sẽ vận chuyển qua eo biển Malacca và tự do đi qua eo biển này, sau đó đi qua Biển Đông mới đến được Trung Quốc.
Bạn không thể mong đợi một tàu chở dầu của Mỹ dừng lại và bơm dầu sang tàu Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là điều vô lý. Biển phải luôn luôn mở.
Trung Quốc không chỉ quân sự hóa bất hợp pháp 7 cấu trúc địa lý ở Trường Sa, mà còn đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực. Ảnh máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh bất hợp pháp ở Vành Khăn, nguồn: Philippines Daily Inquirer.
Chúng tôi chưa bao giờ cố gắng ngăn tàu đi qua eo biển Malacca.
Họ được chào đón, mặc dù eo biển nằm giữa Malaysia và Indonesia, chúng tôi hoàn toàn có thể đặt tên cho nó là eo biển Malaysia - Indonesia. Nhưng chúng tôi không làm điều này.
Chúng tôi muốn nó được mở vì nó tốt cho thương mại. Biển Đông cũng tốt cho các quốc gia buôn bán."
Tiến sĩ Ian Storey chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ Singapore bình luận:
"Quan điểm của ông Mahathir Mohamad không đại diện cho bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Malaysia;
Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Mahathir quan tâm hơn trước hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hơn người tiền nhiệm của ông ấy, người bám lấy Bắc Kinh."
Theo ông Ian Storey, Thủ tướng Mahathir Mohamad có thể sử dụng vai trò chính khách lớn tuổi của mình trong ASEAN để khuyến khích sự đoàn kết hơn nữa trên Biển Đông, thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử COC.