Tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn chỉ là câu chuyện trong sử sách. Trong báo cáo thường niên 2018, viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã chỉ trích về tình trạng phát triển vũ khí hạt nhân mới đang diễn ra hiện nay.
2017 là một năm đặc biệt đối với những người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân. Tổng cộng 122 nước thành viên của Liên hiệp Quốc đã ký cam kết không sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thoả ước này chưa đem lại mục tiêu về một thế giới phi hạt nhân tiến đến gần hơn.
Theo ước tính mới nhất của SIPRI, 14.456 vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại trong tay chỉ của chín nước: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Mặc dù, trên phạm vi quốc tế các quốc gia hạt nhân này chiếm thiểu số, song các nước này tuyệt đối không có ý định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Ít hơn song hiện đại hơn
Shannon Kile, chủ nhiệm dự án vũ khí hạt nhân của SIPRI nhấn mạnh rằng mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu giảm đôi chút so với năm trước, song những vũ khí hiện hành đã được hiện đại hoá. “Điều này có nghĩa là các vũ khí cổ xưa hơn đang dần được thay thế, một số trong đó trên thực tế đã tồn tại 40 hay 50 năm song các loại vũ khí hạt nhân mới cũng đang được phát triển để có những tính năng kỹ thuật và công năng mới.”
Chính phủ Mỹ chỉ khẳng định về hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của mình vào tháng 2 năm nay khi công bố phiên bản mới của tài liệu Tổng quan Tình trạng Hạt nhân (Nuclear Posture Review). Điều này cũng tác động đến các nước khác mà Đức là một ví dụ điển hình. Mặc dù Đức không có bất kỳ vũ khí hạt nhân nào tự sản xuất, song với tư cách là một quốc gia thành viên của NATO Đức được bảo vệ dưới lá chắn nguyên tử của Mỹ. Khoảng 20 bom nguyên tử B61 được cất trữ ở vùng Eifel nằm ở phía Tây Đức và trong những năm tới số vũ khí này sẽ được thay thế bằng các bom nguyên tử hiện đại hơn có thể được dẫn đường chính xác hướng vào một mục tiêu nhất định.
Quá trình hiện đại hoá tốn kém
Mỹ đang đầu tư nhiều tiền của vào quá trình hiện đại hoá dàn nguyên tử của mình. Đến năm 2026, cường quốc số một thế giới này đặt kế hoạch chi 400 tỉ USD vào mục tiêu này. Tuy nhiên, ông Kile cho rằng các nước nhỏ hơn như Ấn Độ và Pakistan cũng đang dấn bước vào cái gọi là “cuộc đua vũ trang chiến lược.” Cả hai quốc gia Nam Á này đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới và mở rộng công suất chế tạo vật liệu có thể tách rời. Các vũ khí hạt nhân do vậy vẫn là một phần cốt lõi trong các chiến lược quốc phòng của các cường quốc hạt nhân.
Trước tình hình quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Nga, ông Kile cho hay khó xác định mức độ hiệu quả của các thoả thuận quốc tế trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Ông nói: “Điều tôi lo ngại hiện nay đó là thực tế mối quan hệ chiến lược chính trị giữa Mỹ và Nga đã sụp đổ và và hai nước này sở hữu 92% toàn bộ số vũ khí hạt nhân.”
Hoạt động kiểm soát vũ trang gặp khó
Thực tế này cũng ảnh hưởng đến công tác kiểm soát vũ trang. Khi những thoả thuận giải trừ quân bị quan trọng như Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga (New Start) đáo hạn vào những năm tới, các chuyên gia về vũ khí hạt nhân e ngại rằng sẽ không có các hiệp ước mới thay thế. Khi đó sẽ không có những hạn chế được giao kết về các dàn vũ khí. “Chúng ta rõ ràng đang rời xa tầm nhìn 2009 của cựu Tổng thống Barack Obama về một thế giới phi hạt nhân”, ông Kile nhận định.
Là một chuyên gia SIPRI, ông Kile đã theo dõi 9 quốc gia nguyên tử này trong nhiều năm. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên về một tiến triển, đó là những tiến bộ kỹ thuật mà Triều Tiên đã phô bày trong các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo tầm dài và vũ khí hạt nhân trong 12 tháng qua. Theo ông, chúng ta vẫn phải chờ đợi xem liệu cuộc họp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có dẫn tới tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên hay không.
“Tôi có chút hoài nghi về điều đó”, ông nói song bổ sung rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua đã mở cánh cửa cho các biện pháp xây dựng lòng tin tiếp theo.
Chi phí quân sự đạt mức đỉnh điểm
Trong báo cáo thường niên 2018, các nhà nghiên cứu hoà bình thuộc SIPRI đã tập hợp các số liệu khác cho thấy rằng tình hình chính trị căng thẳng ở nơi có mối lo ngại về an ninh. Nhiều tiền của đã được đầu tư vào quân sự trong năm 2017 hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ kết thúc chiến tranh Lạnh. Tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2017 đã tăng lên 1739 tỉ USD, tương đương 230 USD/người. Năm 2017, mức chi phí tính trên đầu người là 227 USD.
Lý do dẫn tới mức tăng trên toàn cầu này là do một số khu vực tăng chi phí quân sự. Đặc biệt, khu vực Đông Á có mức tăng chi phí quân sự đáng chú ý, ví dụ Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng của mình 5,6% lên 228 tỉ USD. Tại châu Âu, bức tranh này đa dạng hơn: Các nước Đông Âu giảm đáng kể chi phí vào quân sự trong năm 2017 so với năm trước, trong khi mức chi phí quốc phòng tăng tại Trung và Tây Âu.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Đức, năm 2017 Đức đã chi 43,5 tỉ USD vào Bundeswhehr (quân đội Đức), tăng khoảng 2 tỉ USD so với năm trước đó. Mỹ vẫn là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất với 610 tỉ USD đầu tư trong năm 2017, tiếp đến là Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Nga.
Buôn bán vũ khí toàn cầu tăng đáng kể
Theo các kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu Stockholm, một xu hướng khác cũng đang gia tăng: Buôn bán vũ khí toàn cầu tăng đáng kể trong 10 năm qua sau khi chạm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 2000. Bốn nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2017 xếp theo thứ tự là Mỹ, Nga, Pháp và Đức