"Tổng thống Duterte vẫn còn mơ hồ trong việc hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông", Phó giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines, nêu rõ trong Đối thoại Biển lần thứ ba với chủ đề "Luật quốc tế và Biển Đông" hôm qua tại Hà Nội. Sự kiện này do Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung, Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức.
Kraft cho biết từ khi nắm chính quyền, Tổng thống Philippines đã nêu ra vấn đề hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên chính phủ vẫn chưa nói rõ khuôn khổ này cần dựa trên nguyên tắc, khung pháp lý nào. Do đó giới nghiên cứu Philippines lo ngại việc hợp tác giữa Manila và Bắc Kinh làm suy giảm lợi ích của Philippines ở Biển Đông, có thể mâu thuẫn với luật pháp của Philipines và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi 2016.
"Ông Duterte còn tại vị thêm ba năm nữa, vì thế cần phải chờ thêm để biết tình hình", Kraft nói. Ông dự đoán Philippines và Trung Quốc sẽ tính toán đến phán quyết của Toà trọng tài quốc tế khi hợp tác.
Chuyên gia của Philippines bày tỏ quan ngại về diễn biến hiện nay trên Biển Đông khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự hoá, trong khi cộng đồng quốc tế nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở đây. Ông cho rằng Biển Đông là "điển hình của việc luật pháp quốc tế được nêu cao, nhưng không được tuân thủ".
Kraft tin rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ phải dần dần xem xét chấp nhận phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, trong đó bác bỏ đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông. "Trung Quốc sẽ phải nhận ra rằng họ không có nhiều lựa chọn trong việc tuân thủ luật quốc tế, không thể tự loại mình ra khỏi phán quyết. Điều đó cũng phụ thuộc vào việc các nước liên quan ứng xử với Bắc Kinh như thế nào", Kraft khuyến cáo, khi trao đổi với Báo.
Tiến sĩ Yan Yan, viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải cho rằng Trung Quốc không hoàn toàn phớt lờ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế về Biển Đông, Bắc Kinh đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" trong vấn đề này. viện nghiên cứu Nam Hải được thành lập năm 1996 và được Quốc vụ viện Trung Quốc nâng cấp lên quy mô quốc gia vào năm 2004. Cách đây hai tuần, Hội luật quốc tế của Trung Quốc (Chinese Society of International law) đã xuất bản ấn phẩm dày 500 trang, nghiên cứu về phán quyết.
Bà Yan đánh giá việc nghiên cứu phán quyết là cơ hội để giới học giả Trung Quốc xem xét cách vận dụng luật pháp quốc tế "tốt hơn", như các nước khác đã làm. "Đây cũng là cơ hội để các quốc gia đàm phán với Trung Quốc", Tiến sĩ Yan nói.
Nhắc đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), bà Yan gợi ý các nước nên đưa thêm vào các khoản thăm dò dầu khí và đánh bắt cá. Trung Quốc và ASEAN cũng cần lập Uỷ ban thực hiện giám sát thực hiện COC, mà không dựa vào các cơ chế hiện có của ASEAN.
Tiến sĩ Yan Yan, ngoài cùng bên phải, cùng các học giả tại Đối thoại biển lần ba tại Hà Nội ngày 11/6. Ảnh: Giang Huy.