Tin liên quan
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dù diễn ra như kế hoạch, nhưng nguy cơ đổ vỡ rất cao, mà nguyên nhân là do Tổng thống Trump muốn đọc vị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay từ những giây phút đầu tiên, rồi quyết định có tiếp tục hay không.
Theo The Washington Post, họp báo ở Quebec, Canada ngày 9/6, bên lề Hội nghị G-7, trước khi lên đường tới Singapore, Tổng thống Trump đã phát biểu: "Chỉ trong vài phút đầu, tôi sẽ đánh giá được. Tương tác và cảm nhận đó là điều tôi sẽ làm”.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm: “Quý vị sẽ biết cách người khác nói chuyện, hay liệu có hợp với ai đó chỉ trong 5 giây đầu tiên. Tôi nghĩ tôi sẽ đánh giá rất nhanh, tôi sẽ biết được liệu có gì đó tốt đẹp sắp xảy ra hay không.
Và tôi cho rằng tôi cũng sẽ biết liệu nó có diễn ra nhanh chóng hay không. Nếu tôi cảm thấy nó sẽ không diễn ra, tôi không muốn phí phạm thời gian của mình, phí phạm thời gian của ông ấy".
bình luận của vị tổng thống doanh nhân đã tạo ra một sức ép rất lớn với nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn, bởi ông Trump luôn nói thẳng và làm thật.
Vì vậy, để đảm bảo cuộc gặp diễn ra như đúng như kế hoạch thực sự là một thách thức với Kim Jong-un.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu là, hoặc không thể cho đối phương đọc vị, hoặc phải đọc vị đối phương. Và Kim Jong-un đã làm được điều đó ngay trong cuộc tiếp xúc riêng với Donald Trump, trước hội đàm mở rộng Mỹ-Triều.
Nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn đã nói với Tổng thống Mỹ: “Con đường dẫn đến cuộc gặp hôm nay là không dễ dàng. Những định kiến và hành động trước đây là trở ngại cho con đường tiến lên phía trước, nhưng chúng ta đã vượt qua để có mặt ở đây”.
Xét về ngôn ngữ ngoại giao khi bị đối phương gây sức ép, có thể nhận diện Kim Jong-un đã thể hiện sự sắc sảo trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ.
Nhà lãnh đạo trẻ đã không cho vị tổng thống doanh nhân đọc vị, thậm chí chính Kim đã đọc vị Trump.
Bởi khi nhà lãnh trẻ khẳng định “chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại để có mặt ở đây”, điều đó đã đưa Tổng thống Trump vào thế triệt buộc, khiến ông không thể bỏ ngang cuộc gặp vì bất cứ lý do gì.
Có thể thấy rằng, có quá nhiều cản trở cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Từ sự khác biệt giữa chính sách của Mỹ với chiến lược của Triều Tiên, từ ảnh hưởng của ngoại giao nước lớn đến quan điểm chính trị của đôi bên.
Không những vậy, tác động của đội ngũ hoạch định chính sách và cố vấn chiến lược cho chính quyền hai nước cũng gây ra những tác động có thể làm hỏng một sự kiện lịch sử, mà việc Tổng thống Trump từng tuyên bố huỷ cuộc gặp đã cho thấy điều đó.
Giúp cuộc hội đàm Mỹ-Triều mở rộng đã diễn ra như kế hoạch
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất được nhìn nhận chính là sự khác biệt cả về tính cách lẫn lập trường của hai nhân vật chính trong sự kiện lịch sử - Donald Trump và Kim Jong-un, được thể hiện qua những màn đấu khẩu.
Hẳn dư luận còn nhớ sự kiện, ngày 17/9/2017, ông Trump từng viết lên Twitter rằng: "Tôi vừa nói chuyện với tổng thống Hàn Quốc vào tối qua và hỏi ông ấy về tình hình của gã tên lửa".
Sau đó, trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 72 của Đại Hội đồng LHQ, ông Trump đe dọa rằng Mỹ có thể "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, nếu Mỹ bị ép phải bảo vệ chính mình và các đồng minh trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ngay tại diễn đàn quốc tế quan trọng nhất hành tinh này, người đứng đầu Nhà Trắng đã khẳng định: "Gã tên lửa đang có hành động tּự sáּt cho chính ông ấy và chế độ của ông ta".
Đáp trả, trong một lần hiếm hoi đích thân lên tiếng, Kim Jong-un đã tuyên bố "sẽ buộc người nắm quyền tổng tư lệnh của Mỹ phải trả giá đắt vì bài phát biểu của ông ta kêu gọi huỷ diệt hoàn toàn Triều Tiên...Ông ta là lão già loạn trí thích đùa với lửa”.
Sau đó, ngày 22/9/2017 Tổng thống Trump tiếp tục gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là người điên. "Kim Jong-un của Triều Tiên rõ ràng là một gã điên... Gã đó sẽ bị thử sức như chưa từng có!", ông Trump viết trên Twitter của mình.
Đáp trả, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng lời lẽ của Tổng thống Trump chẳng khác gì "tiếng chó sủa" và Bình Nhưỡng "cảm thấy tội nghiệp" cho các cố vấn của Tổng thống Mỹ.
"Người ta thường nói rằng chó cứ sủa và đoàn người cứ đi’", ông Ri Yong-ho đã trả lời báo giới như vậy khi đến New York tham dự cuộc họp lần thứ 72 của Đại Hội đồng LHQ, Yonhap tường thuật.
Và hai bên đã ký kết thoả thuận lịch sử
Sự kịch tính trong các cuộc đấu khẩu giữa Donald Trump và Kim Jong-un đã đạt tới đỉnh điểm của một cuộc cãi vã với tất cả những ngôn từ nhằm xúc phạm đối phương ở mức cao nhất, đã được sử dụng.
Rõ ràng, rào cản cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là quá lớn và chỉ có đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un mới có thể chấp nhận gặp nhau.
Nếu chỉ vì cảm nhận không tốt về đối phương mà Tổng thống Trump bỏ dở cuộc gặp thì rõ ràng ông Trump chỉ vì bản thân chứ không phải vì nước Mỹ.
Điều đó cho thấy Kim Jong-un rất khéo khi nói về việc Mỹ-Triều vượt rào cản để đến với nhau.
Như vậy, có thể thấy Kim Jong-un đã đưa Donald Trump vào thế không thể phá vỡ sự kiện lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều, dù vị thổng thống doanh nhân của nước Mỹ đọc vị như thế nào về nhà lãnh đạo trẻ của xứ Bắc Hàn.