Tin liên quan
Là người đầu tiên có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ ba của diễn đàn an ninh khu vực quan trọng bậc nhất của khu vực với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã chỉ ra một thực tế là những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những nguy cơ có thực và cận kề.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng việc các bên liên quan cùng đàm phán giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp, trước hết mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình đồng thời rất cần sự hỗ trợ, chung tay hành động một cách vô tư, công bằng, khách quan, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn. Các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hóa chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói đi đôi với việc làm.
Mặt khác, các nước cũng cần phát huy hiệu quả và mở rộng, đa dạng hóa các cơ chế đối thoại, hợp tác về quốc phòng - an ninh - chính trị, kinh tế trong khu vực và liên khu vực; nghiên cứu xây dựng cơ chế mới hỗ trợ các bên giải quyết hòa bình các vấn đề an ninh, tranh chấp, nhất là các vấn đề phức tạp như Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông…, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, tuân thủ luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định trong cấu trúc an ninh khu vực thì ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ; ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung. ASEAN cũng đã góp phần định hình cấu trúc an ninh, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam cho rằng mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.