Văn hóa đọc trong tầng lớp trẻ mà cụ thể là học sinh, sinh viên đang có dấu hiệu lao dốc cần được lưu tâm và vực dậy.
Nốt trầm văn hóa đọc
Từ vấn đề đọc sách của một bộ phận giới trẻ hiện nay cho thấy những quan niệm khác. Nếu đọc sách truyền thống hoàn toàn có thể bị coi như lạc hậu, diễn… bởi họ luôn cho rằng công nghệ thông tin phát triển, lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ tìm các đầu sách truyện mà không hề tốn kém. Với kiểu đọc sách này, giới trẻ không quan tâm tới vấn đề nguồn thông tin từ sách có chính thống không? Xấu tốt và gây ra tác hại gì?
Thân Nhung – sinh viên Trường ĐH Lao động xã hội - cho biết: Các bạn của cô đọc nhiều truyện tranh với nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi… và ngại đọc sách kinh điển, lý luận, các loại sách dày trang nhiều tập.
Còn tại thư viện của nhiều trường ĐH, dường như chỉ đông hơn vào thời điểm sinh viên làm tiểu luận, luận án… bởi khi ấy mới có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin. Vào những ngày bình thường trong năm học, không nhiều sinh viên tự giác lên thư viện, một vài sinh viên lên thư viện đều hơn thì lại mang mục đích riêng thay vì tìm hiểu đọc sách.
Tuy nhiên, khi nói về văn hóa đọc hiện nay không ít bạn trẻ cũng phàn nàn vềchất lượng sách. Bản thân họ có thể dành dụm để mua sách nhiều khi cảm thấy bực mình vì nội dung sách không hay như một phần lời giới thiệu. Việc trình bày bìa sách cũng đáng nói khi thì quá đà trong hình ảnh thể hiện, lúc lại quá nghèo nàn đơn điệu. Với những ai có nhu cầu đọc và sưu tầm sách sẽ cảm thấy hụt hẫng vì nội dung và chất lượng sách. Vì lý do này mà ngày càng nhiều hơn bạn trẻ chuyển từ đọc sách truyền thống sang đọc sách qua mạng. Thay vì mất tiền mua sách bằng việc đọc sách online cho khỏi tốn kém.
Văn hóa đọc - Vực dậy cách nào?
Hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay được tổ chức chưa nhiều và chất lượng chưa đều. Cần có nhiều hơn nữa những hoạt động đi vào chiều sâu, thay vì các phong trào mang tính trào lưu, tổ chức cho đủ thì cần những lộ trình vực dậy văn hóa đọc một cách chất lượng, chuyên nghiệp.
Đối với giới trẻ cần xây dựng được ý thức đọc sách như một nhu cầu của bản thân để nâng cao hiểu biết, tri thức. Trên cơ sở trở thành thói quen đọc sách giới trẻ mới vượt qua được việc lười đọc. Mỗi bạn trẻ, học sinh, sinh viên cần đặt ra cho mình những tiêu chí về đọc sách như: Mỗi tháng một cuốn sách, mỗi tuần đọc bao nhiêu trang sách, mỗi tuần đi hiệu sách mấy lần. Và không khó để hình thành thói quen mua sách tặng người thân, trẻ em trong mỗi dịp cần thiết.
Ở mỗi gia đình, muốn con cái ham đọc sách thì trước tiên cha mẹ phải là tấm gương để con noi theo bằng cách tạo cho mình thói quen đọc sách. Cùng đó, tạo ra những kệ sách trong mỗi gia đình. Chủ động tạo ra thói quen mỗi thành viên phải nói về một vấn đề nào đó trong một cuốn sách hàng tuần, hàng tháng… Đặc biệt, để trẻ ham đọc sách có thể đưa các em đi hiệu sách, giúp các em có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp. Mỗi em cần tự xây dựng cho mình một góc, kệ sách theo sở thích nhu cầu đọc...
Tạo ra văn hóa đọc thì trách nhiệm cũng cần được xác định từ trong các nhà trường. Mỗi nhà trường không khó khăn để xây dựng những thư viện xanh, các tủ sách lưu động; tăng cường các buổi trao đổi xung quanh vấn đề sách, giới thiệu đầu sách hay sách cần thiết với học sinh…
Với các tổ chức xã hội, cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú ý nghĩa để giới trẻ, học sinh, sinh viên thấy được lợi ích của sách và văn hóa đọc. Các hoạt động để toàn dân đọc sách; Tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc; tôn vinh người đóng góp, lưu giữ nhiều sách quý, chơi sách cổ, đọc sách mỗi ngày… cần diễn ra thường xuyên. Mặt khác, việc khuyến khích đọc sách miễn phí tại nơi công cộng cần được mở rộng phát triển ngoài đường phố, nhà trường, các tổ chức công sở...
Xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ góp phần nâng cao tri thức cá nhân và cộng đồng. Cần coi trọng việc đọc sách trong công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng bởi sách chính là một kho tàng kiến thức đồ sộ giúp con người và xã hội không ngừng phát triển.