Theo đó, tổng lượng xe nhập về tuần qua đạt hơn 746 chiếc, giá trị kim ngạch đạt hơn 21,6 triệu USD. Lượng xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chiếm lượng lớn với 554 chiếc (trên 74% tổng lượng xe nhập).
Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tuần qua đã tăng khá mạnh so với tuần trước đó khi cả nước chỉ nhập hơn 103 chiếc xe hơi, đa phần số xe này đến từ Mexico, trong khi không có chiếc xe nào nhập từ Thái.
Sự quay trở lại của các dòng xe nhập Thái đã khiến thị trường xe hơi nhập khẩu Việt Nam đa dạng hơn. Trong 554 chiếc xe con nhập về Việt Nam tuần qua, có hơn 470 chiếc là xuất xứ Thái Lan, 33 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc, 18 chiếc xuất xứ từ Thụy Điển, 13 chiếc từ Đức và còn lại là một số ít xe xuất xứ từ Slovakia, Nhật Bản và Anh.
Dòng xe nhập từ Đức, Thụy Điển về Việt Nam chủ yếu là xe sang, cao cấp của các dòng BMW, Mercedes, Audi hay Volvo (Thụy Điển).
Như vậy, sau nhiều tháng chờ đợi những dòng xe con nhập khẩu từ các nước khác ngoài ASEAN đã về được Việt Nam, đây là dấu hiệu đáng mừng bởi sau khi Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô ra đời, các hãng xe nhập khó vào được Việt Nam.
Bằng chứng là từ đầu năm 2018, hầu hết các dòng xe nhập từ Đức, Mỹ, Nhật Bản đều không phát sinh lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Thị trường xe nhập Việt Nam chủ yếu là xe Thái, trong khi đó xe Ấn Độ và Indonesia tiếp tục "mất tích" trên thị trường xe nhập ở Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, đến thời điểm 30/4/2018, lượng xe nhập khẩu từ Đức về Việt Nam mới chỉ đạt 32 chiếc, trong khi đó cùng kỳ năm trước có khoảng 450 chiếc xe Đức nhập về Việt Nam.
Lượng nhập về hạn chế, mức tiêu thụ và doanh số bán các dòng xe Đức cùng xe Nhật, Mỹ tại Việt Nam trở nên khó khăn hơn trước cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang có sự dịch chuyển lớn từ tiêu thụ cao xe nhập khẩu sang tiêu thụ cao xe lắp ráp trong nước.