Nga mềm mỏng ngoại giao
Đại sứ Nga tại Israel Alexander Shein ngày 25/4 đã hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước liên quan đến các vụ tấn công của Israel nhằm vào Syria, đồng thời khẳng định những căng thẳng này không phải là nguyên nhân của việc Moscow cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến cho Damascus.
Khi được hỏi liệu Nga sẽ ngăn cản Israel tự do hành động tại Syria hay không, Đại sứ Shein rất thận trọng nói rằng: "Tất nhiên việc những hành động này không xảy ra nằm trong lợi ích của chúng tôi, vì những hành động này sẽ khiến tình hình Syria tồi tệ hơn. Tất nhiên chúng tôi hiểu những lý do dẫn tới việc Israel quyết định có các hành động như vậy và tất nhiên cũng muốn những lý do này không tồn tại".
Đại sứ Nga tại Israel Alexander Shein (trái) và Tổng thống Israel Reuven Rivlin
Theo ông Shein, ý tưởng chuyển giao S-300, mà Nga vẫn chưa quyết định thời điểm, là kết quả của các vụ không kích tên lửa ác liệt hôm 14/4 do các lực lượng của Mỹ, Anh và Pháp tiến hành nhằm vào Syria.
Ông Shein nêu rõ: "Tôi nhấn mạnh rằng câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh xảy ra một cuộc xâm lược của phương Tây nhằm vào Syria, và không liên quan gì đến Israel".
Ngoài ra, Đại sứ Shein cũng đánh giá thấp nguy cơ một cuộc xung đột giữa Nga và Israel về Syria khi nói: "Tôi không thể tưởng tượng bất kỳ kịch bản nào như vậy. Chúng tôi đang hợp tác và cập nhật với nhau về tình hình Syria. Từ trước đến nay, không có những vụ việc giữa chúng tôi, hay thậm chí những dấu hiệu sẽ xảy ra vụ việc nào và tôi hy vọng sẽ không có".
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố: "Nếu bất cứ ai bắn vào các máy bay của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiêu diệt họ".
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày tiết lộ nước này lên kế hoạch chuyển giao những hệ thống phòng không mới cho Syria trong tương lai gần.
Hệ thống tên lửa S-300 khai hỏa
Theo RIA Novosti, bộ này cũng dự định nghiên cứu một tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ được các lực lượng Syria thu được trong một vụ tấn công gần đây, nhằm cải tiến những tên lửa của Nga.
Trước đó, ngày 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố Tel Aviv sẽ không chấp nhận Nga hay bất kỳ nước nào khác giới hạn những "hành động" của nước này tại Syria.
Trả lời báo giới về việc Nga đã chỉ trích việc Israel tấn công căn cứ T-4 của Syria hôm 9/4, ông Lieberman nêu rõ: "Chúng tôi sẽ duy trì toàn bộ quyền tự do hành động. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ sự hạn chế nào khi đề cập đến việc bảo vệ những lợi ích an ninh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn gây hấn với Nga. Chúng tôi có một đường dây liên lạc mở ở cấp sĩ quan cấp cao. Nga hiểu chúng tôi và sự thật là trong nhiều năm chúng tôi đã tìm cách tránh va chạm với họ".
Ông Lieberman tiếp tục cáo buộc Iran tìm cách hiện diện quân sự tại Syria và đe dọa Israel. Ông Lieberman nói: "Chúng tôi sẽ không dung thứ cho một lực lượng quân đội đáng kể của Iran tại Syria dưới dạng những quân cảng và sân bay hay triển khai vũ khí tinh vi".
Ngày 9/4, 7 quân nhân Iran đã thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân T-4 của Syria. Các đồng minh của Syria là Iran và Nga đã quy trách nhiệm cho Israel tiến hành vụ tấn công.
Làm ngòi nổ cho Mỹ?
Về vụ tấn công hôm 9/4, Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tướng không quân về hưu Erdogan Karakush cho rằng đòn tấn công này diễn ra sau loạt cáo buộc tiếp theo của các nước phương Tây nhằm vào Chính phủ Syria về "tội" sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Erdogan Karakush nói: “Vào thời điểm mà vị thế, sức ảnh hưởng của chính quyền Damascus ở Syria đang gia tăng và lực lượng chính phủ Syria gặt hái được những thành công đáng kể trên các mặt trận, hoàn toàn thiếu thuyết phục và vô lý khi đưa ra khẳng định rằng vụ tấn công hóa học là do chính quyền Syria gây ra".
Theo ông, Israel đang làm mọi thứ có thể gây bất ổn và gây nhầm lẫn cho tình hình khu vực, những động thái này là một phần trong chiến dịch tiếp tục khiêu khích từ phương Tây.
Ông Karakush nhấn mạnh: “Do lập trường phá hoại mà phương Tây thực hiện trong giai đoạn trước đây khi khiêu khích và phổ biến các thông tin sai lệch để tiến hành cuộc xâm lược Iraq, hôm nay chúng ta đang chứng kiến những tác động tàn phá trong khu vực".
Theo ông, thông qua các phương tiện truyền thông, tình trạng thật sự của vụ việc bị che giấu, còn thông tin sai lệch được trình bày như là sự thật. Có một cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến cả Liên hợp quốc, giữa một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, và bên kia là các nước phương Tây, Mỹ và Israel.
Sputnik nhẫn lời một tướng về hưu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Beyazit Karataş nhận định: “Israel trước đây đã hai lần ném bom sân bay T-4 nằm giữa Homs và Palmyra, nơi có bố trí cả máy bay không người lái của Iran. Nhiệm vụ chính của Israel trong một thời gian dài là gây ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran".
Theo ông, mong muốn này của Israel được Saudi Arabia ủng hộ. Tuy nhiên, Mỹ hành xử thận trọng, có tính đến phản ứng có thể từ phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và thậm chí cả Trung Quốc.
Do đó, Mỹ không tham gia vào xung đột trong khu vực một cách trực tiếp mà cung cấp hỗ trợ cho các nước tham gia, sử dụng các nước này cho mục đích riêng.
Israel có tự tin đối đầu với Nga tại Syria?
Thiếu tướng Karataş gọi cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta là hành động lố bịch. Ông nói thêm: “Có cáo buộc cho rằng vụ tấn công hóa học đã sử dụng khí sarin, nhưng trên thực tế nó không được sử dụng. Nếu nhìn vào các bức ảnh được công bố trên phương tiện truyền thông phương Tây, bạn sẽ thấy rõ rằng đây là một sự dàn dựng”.
Theo tướng Karatas, Mỹ, Israel và phương Tây đang cố gắng diễn giải Clo như một loại vũ khí hóa học: “Trên thực tế, trường hợp này không phải là như thế. Clo trong khí quyển không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là một chất độc hại có thể gây ra trạng thái bất tỉnh nếu vô tình sử dụng nó trong mục đích thông thường - trong phòng tắm hoặc nhà vệ sinh".
Ông Karatas cho rằng, để giết người trong một tòa nhà, sẽ cần phải sử dụng ít nhất 50 tấn clo. Nói cách khác, đây không phải là một chất có thể được sử dụng làm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đối với sarin, ông Karatas cho rằng, nếu khí này đã được sử dụng ở Đông Ghouta, không ai có thể hiện diện ở đó với khẩu trang y tế thông thường - tất cả mọi người sẽ chết vì ngộ độc. Tất cả những điều này cho thấy toàn bộ những cáo buộc và những cảnh quay được trình bày đều là cảnh dàn dựng theo chủ ý trong phòng thu.
Theo ông, ngày nay, rất ít người trên thế giới tin vào tất cả những tuyên bố sai lạc từ phía phương Tây, trong đó có cả cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Ông khẳng định: "Phần đông cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng tất cả kịch bản này đều được dàn dựng. Nếu nói về tình hình ở Syria, tất cả những người có lương tâm đều rõ rằng trong bối cảnh hiện tại, ông assad sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học. Ngoài ra, khi sử dụng sarin - loại khí rất không ổn định - sẽ gây tổn thất nặng nề trước hết cho chính bản thân các binh lính của chính phủ Syria”.