Nhà nghiên cứu người Nhật, Hayato Hosoya ngày 25/4 có bài bình luận đáng chú ý trên trang chathamhouse.org.
Ông từng là một nhà ngoại giao thuộc Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và đang nghiên cứu tại Khoa An ninh quốc tế, viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House).
Bài viết của ông có tiêu đề "Nhật Bản nên phản ứng vừa phải với các nước đi của Nga ở Biển Đông" với luận điểm, hợp tác Nga - Việt không đáng để làm hỏng mối quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật - Việt.
Để giúp quý bạn đọc có thêm thông tin phân tích đa chiều về các mối quan hệ quốc tế liên quan đến Việt Nam, Biển Đông và đánh giá của học giả, truyền thông quốc tế xung quanh chủ đề này, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết của tác giả Hayato Hosoya.
"Thỏa thuận quân sự mới giữa Nga với Việt Nam, trong đó vạch ra tầm nhìn hợp tác giữa 2 đối tác truyền thống đến năm 2020 đã trở thành một mối quan tâm tại Nhật Bản.
Sự gia tăng hiện diện của Nga gây ra xung đột giữa 2 chính sách đối ngoại khác nhau của nội các Thủ tướng Shinzo Abe - chính sách duy trì vị thế mạnh mẽ của Nhật trong bối cảnh cạnh tranh sức mạnh ở Biển Đông với chính sách thận trọng tránh đối đầu với Nga.
Các thỏa thuận mới này bao gồm việc Nga đồng ý triển khai tàu cứu hộ đến Việt Nam và tham gia hoạt động cứu hộ sau một số bước đi tăng cường hợp tác hải quân song phương.
Từ năm 2011, 4 tàu hải quân do Nga chế tạo đã được biên chế cho lực lượng Hải quân Việt Nam, hai nước đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận chung trong vòng 3 năm tới.
Thủ tướng Shinzo Abe đã cố gắng tránh tham gia các hoạt động gây sức ép ngoại giao chống lại Nga. Nhật Bản đã không áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ với Moscow sau khủng hoảng Crimea;
Tokyo cũng không trục xuất nhà ngoại giao nào của Nga để đối phó với vụ ám sát Skipals ở Salisbury. Đại sứ Nga đã ghi nhận ứng xử này của phía Nhật Bản.
Mục tiêu của ông Shinzo Abe là giữ cho mối quan hệ Nhật - Nga suôn sẻ để ông có thể tiếp tục đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa 2 nước với vùng lãnh thổ phương Bắc / quần đảo Kuril.
Nhưng ngày càng có nhiều hoài nghi về việc liệu ông Vladimir Putin có muốn giải quyết vấn đề này hay không.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Nga không ủng hộ quan điểm của Nhật Bản về Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, đây lại là một trong những vấn đề ngoại giao quan trọng nhất đối với Nhật Bản, cho dù thực tế Tokyo đã thể hiện những cử chỉ thân thiện với Moscow.
Nếu Nga tiếp tục duy trì tư thế của mình ở Đông Á theo cách này, ông Shinzo Abe có thể buộc phải suy nghĩ lại về chính sách đối ngoại của mình, ít nhất là về chiến lược của Nhật bản trong lĩnh vực này gắn liền với Mỹ.
Ngoài ra, do ông đang bị mất ủng hộ nội bộ do một loạt các vụ bê bối trong nước, Thủ tướng Shinzo Abe có thể bị áp lực hơn nữa trong việc duy trì lập trường mạnh mẽ trên Biển Đông.
Nhưng Thủ tướng Shinzo Abe nên thận trọng.
Nhà nghiên cứu người Nhật Bản, Hayato Hosoya, ảnh: Chatham House.
Không giống như ở châu Âu hay Trung Đông, Nga không có ý định trở thành tay chơi tích cực ở Đông Á. Thay vào đó, Moscow muốn ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào trở nên quá mạnh trong khu vực này.
Thỏa thuận hợp tác của Nga với Việt Nam được hoạch định như một cầu nối trong khu vực để Nga có thể giữ được ảnh hưởng của mình mà không cần phải thể hiện vai trò tích cực hơn.
Mặt khác, Nga không muốn gặp rắc rối với Trung Quốc và sẽ cẩn thận không dẫm lên những ngón chân của Bắc Kinh trong khu vực mà Moscow biết rõ, nó cực kỳ quan trọng với ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc.
Thủ tướng Shinzo Abe nên lưu ý điều này và chớ có những phản ứng đối đầu với những di chuyển của Nga.
Các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước đã diễn ra trong một bầu không khí thân thiện kể từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng vào năm 2012, ông nên tập trung vào việc tiếp tục xu thế này." [1]
Chúng tôi không rõ vì lý do gì khiến quan hệ hợp tác Việt - Nga lại dấy lên mối quan tâm đối với Nhật Bản.
Bởi lẽ chính sách đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, mong muốn làm bạn với các quốc gia tiến bộ yêu chuộng hòa bình và công lý, đã công bố rõ ràng từ lâu.
Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng trên Biển Đông và Việt Nam, Trung Quốc đang tồn tại những tranh chấp bất đồng (do Trung Quốc tạo ra) trên biển, nhưng không vì thế mà Việt Nam theo nước này chống nước kia.
Những hoạt động hợp tác bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như luật pháp quốc tế đều xuất phát từ lợi ích chung của tất cả các bên, vì hòa bình, ổn định và thượng tôn Pháp Luật;
Nếu có phải đấu tranh, thì là đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâּm hạּi quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứ không phải chống nước này, nước khác.
Do đó chúng tôi nhận thấy lo ngại của ai đó nếu có như tác giả Hayato Hosoya đề cập, là không có cơ sở.
Đặc biệt, ông khá sắc sảo với nhận định về vai trò và tính toán của Nga ở Biển Đông, đề xuất chính sách của ông với Thủ tướng Shinzo Abe là hợp tình, hợp lý.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới thăm Nga, và cũng tới thăm Nhật Bản.
quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nhật là một phần quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng.
Việt Nam luôn xem Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại đa chiều.
Nhật Bản muốn tìm cách xử lý ổn thỏa các tranh chấp lãnh thổ với Nga, đó cũng là mong muốn của các nước ven Biển Đông chung sống hòa bình, hữu nghị và bình đẳng cùng cả Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Tuy nhiên, hòa bình, hữu nghị, bình đẳng và thượng tôn Pháp Luật không phải tự nhiên mà có. Trong quan hệ quốc tế xưa nay, đó luôn là đích đến, là mục tiêu các bên phải đấu tranh để có được, đạt được rồi cũng phải nỗ lực giữ gìn.