Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức là công trình kiến trúc đặc biệt, có giá trị cao về mặt mỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Là nơi nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tôn vinh công đức của Bồ tát Thích Quảng Đức, nhân vật và sự kiện tiêu biểu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự tẩm xăng ướt mấy lớp cà sa, ngồi kiết già ở giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), châm lửa tự thiêu vào ngày 11-6-1963 để phản đối sự đàn áp của chế độ Mỹ - nguỵ, Ngô Đình Diệm, đã trở thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh nổi dậy của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thêm mạnh mẽ.
Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, đến nay Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức đã hoàn thành. Tượng Bồ tát Thích Quảng Đức được đúc bằng hợp kim đồng, cao 6m tính từ chân tượng, nặng 12 tấn, tấm phù điêu phía sau dài 16m cao 3m, mô tả sinh động phong trào đấu tranh sôi nổi, anh dũng kiên cường của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phong trào đấu tranh của các phật tử trong lịch sử. Bao quanh khu tượng đài và phù điêu là những thảm cỏ, cây xanh, hồ sen được thiết kế thật đẹp, thể hiện được sự thanh thoát, trang trọng, hiện đại.
Đó là thành quả của nhiều trí tuệ, tâm huyết hội tụ và cùng thực hiện, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của nhóm thiết kế thuộc Hội Kiến trúc sư TPHCM do kiến trúc sư Trường Lưu chủ trì. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một trong những công trình tượng đài đẹp nhất thành phố tính đến giai đoạn này.
Và điều quan trọng không thể không kể đến là sự phối hợp của Thành ủy, UBND TPHCM, Sở VH-TT-DL, Thành hội Phật giáo và các sở ngành liên quan đã đồng lòng, chung tay xây dựng công trình này.