Điều chú ý đầu tiên của họ là việc an ninh được tăng cường tại thành phố biên giới Đan Đông hồi tuần trước. Đây là cách thức y hệt mỗi khi cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il, cha của , tới Bắc Kinh.
South China Morning Post dẫn lời một nguồn tin giấu tên từ quân đội Bắc Kinh nói, "tôi được biết là an ninh được tăng cường tại thành phố biên giới Đan Đông ở tỉnh Liêu Ninh tuần trước, và điều này làm dấy lên suy đoán trong nội bộ quân đội về khả năng ông Kim tới thăm Trung Quốc”.
“Việc giữ bí mật vị trí của các nhà lãnh đạo Triều Tiên là chuyện thường tình, bởi vì ông Kim sợ rằng Mỹ hoặc các quốc gia thù địch sẽ ám sát ông”.
Thông tin đầu tiên về chuyến thăm của ông Kim bắt đầu xuất hiện vào tối 26/3 khi đoàn tàu màu xanh đặc biệt, chở ông Kim, phu nhân và cả đoàn, được phát hiện chạy qua Đan Đông.
Một nguồn tin khác từ quân đội nói với SCMP rằng Bình Nhưỡng đã yêu cầu Bắc Kinh giữ bí mật chuyến thăm của ông Kim.
Người ngạc nhiên nhất với chuyến thăm này có lẽ là cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd. Ông Rudd nói rằng ông đang tham dự Diễn đàn Phát Triển Trung Quốc tại Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài thì bị “đá ra” lúc khoảng 3h chiều ngày 26/3. Nhà khách Chính phủ chính là nơi ông Kim ở trong chuyến thăm lần này.
“Đây không giống như những lẽ thường về phép lịch sự của Trung Quốc”, ông Rudd nói trong một bài phát biểu tại tổ chức Asia Society, Hong Kong, vào ngày 28/3, “không ai trong chúng tôi biết rằng có một vị khách quan trọng hơn sắp đến”.
Cựu thủ tướng Australia nói rằng khi các tin đồn bắt đầu lan truyền, ông và các đồng nghiệp nhận ra rằng vị khách đó có thể là ông Kim, vì “hẳn không thể nào là Vladimir Putin”.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (KCNA) cho biết chuyến thăm của ông Kim tới Trung Quốc kéo dài 4 ngày, và một phần lớn thời gian chỉ dành cho việc di chuyển do đoàn tàu bọc thép của Triều Tiên thường chạy với vận tốc 60 km/h.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ghé thăm Học viện Khoa học Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tại Bắc Kinh, ông Kim đã có những cuộc gặp chính thức và ghé thăm nhiều nơi, trong đó có Học viện Khoa học Trung Quốc tại Zhongguancun, được coi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Cui Zhiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết mọi chi tiết về chuyến thăm của ông Kim đều được lên kế hoạch cẩn thận, thể hiện lòng hiếu khách của người Trung Quốc.
“Giống như cha, ông Kim luôn quan tâm tới khoa học và công nghệ, nên một chuyến thăm tới học viện khoa học là một hoạt động phải có trong lịch trình của nhà lãnh đạo Triều Tiên”, ông nói.
Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, Zhou Chenming, đánh giá, dù thế nào, ít có khả năng Trung Quốc chuyển giao công nghệ mới với người hàng xóm bí ẩn Triều Tiên, bởi thứ Bình Nhưỡng cần là nền công nghiệp tập trung vào lao động hơn.
“Bình Nhưỡng cần giúp cho dân số 25 triệu của nước này có công việc làm ăn càng sớm càng tốt, giống như những gì Trung Quốc từng trải qua trong những ngày đầu mở cửa giai đoạn 1980”, chuyên gia nhận định.
"Bắc Kinh hy vọng Hàn Quốc và Triều Tiên có thể cải thiện quan hệ, vì Seoul có thể chuyển giao một phần nền công nghiệp hạ nguồn tới Bình Nhưỡng, giúp giải quyết các vấn đề đói nghèo tại nước này”.