29 tuổi tôi lấy chồng, không phải vì yêu mà qua người mai mối. Tôi dung mạo không đến nỗi khó nhìn nhưng đường tình duyên lại long đong lận đận. Trước đây tôi cũng từng yêu một người, hai gia đình đã qua lại dạm hỏi. Đùng một cái, anh ấy đòi hủy đám cưới mà mãi cho đến giờ tôi vẫn không biết lý do. Cha mẹ tôi xem sự việc tôi bị hủy hôn là nỗi nhục nhã ê chề, nhất là từ sau sự kiện đó không có chàng trai nào dám tán tỉnh tôi vì lý do “có thế nào thì người ta mới hủy hôn”.
Rồi một người bà con xa đánh tiếng mai mối cho tôi với chồng tôi bây giờ. Anh ấy từng ly hôn một lần, tôi thì từng bị hủy hôn, bà ấy nói như vậy cũng coi như “đôi lứa xứng đôi”. Hơn nữa anh ta có nghề nghiệp, có nhà riêng đàng hoàng, về chỉ lo làm mà ăn chứ không phải lo toan gì cả.
Cha mẹ tôi nghe vậy, mừng như bắt được vàng, hối thúc tôi đồng ý. Lúc đó tôi cũng buồn chán mà tặc lưỡi “thôi lấy quách cho xong”, không ngờ quyết định đó đã dẫn tôi từ một nỗi đau này bước sang nỗi đau khác.
Tôi lấy chồng, dù tình cảm không mặn nồng nhưng thật may lại nhanh chóng có thai. Vì tôi tin con cái sẽ là món quà, là sợi dây gắn kết vợ chồng và gia đình mình thêm gắn bó.
Cưới nhau mấy tháng tôi mới nhận ra chồng tôi đam mê cờ bạc, mới hay người vợ cũ bỏ anh cũng vì thói xấu này. Anh nói tiền anh đánh bài là do anh làm ra, không lấy xu nào của tôi vậy nên tôi muốn cửa nhà yên ổn thì đừng ý cò ý kiến. Tôi thực chất không mong đợi gì nhiều từ người chồng này, chỉ mong có thể yên lành mà chăm sóc nuôi con.
Con trai tôi vừa tròn bảy tháng tuổi, vừa trải qua cơn sốt đầu tiên trong đời. Vì là lần đầu làm mẹ, tôi chưa có kinh nghiệm, chưa chuẩn bị kĩ càng. Nửa đêm thấy con khóc, cho bú không bú, ôm con thấy người nóng như than thì vô cùng hoảng hốt. Lúc đó nhà một mẹ một con không biết làm thế nào, gọi điện cho chồng chồng tắt máy không nghe, gửi tin nhắn bảo “anh đi mua cho con gói thuốc hạ sốt, con đang quấy khóc vì sốt cao”. Tin nhắn gửi đi hiện thông báo “đã xem” nhưng cũng không trả lời, chắc đang mải mê ở chiếu bạc nào đó. Cực chẳng đã tôi đành chạy sang đập cửa nhà hàng xóm. Chị hàng xóm lấy thuốc hạ sốt vừa pha cho con tôi uống vừa nói “Cháu sốt cao thế này mà không hạ sốt kịp thời để co giật là nguy hiểm lắm đấy”.
Sáng mai, thấy chồng về, tôi tức giận hét lên:
- Sao anh không đi luôn đi, còn về làm gì nữa. Tối qua con mà có bề gì thì cả đời này anh hối hận không hết, biết chưa?”
Anh ta cũng không vừa gào lên:
- Chết thế quái nào được mà mày to mồm thế. Mày làm mẹ kiểu gì mà con chỉ vừa sốt một tý đã như con điên thế hả.
Đúng lúc đó mẹ chồng tôi đến. Chưa hiểu đầu cua tai nheo làm sao đã hùa vào bênh con trai:
- Nó đã về nhà rồi thì thôi còn ầm ĩ lên làm gì. Đàn bà lúc cơm sôi thì phải bớt lửa, chồng đánh cửa trước thì chạy cửa sau, cãi nhau tay đôi với chồng thế có ngày nó đánh cho.
- Mẹ không biết gì thì đừng nói. Con trai mẹ đi chơi cả đêm, biết con sốt cao cũng không thèm về. Mẹ không bảo anh ấy thì thôi, còn bảo con phải nhịn như thế nào?
Tôi vừa dứt câu chồng tôi đã lao đến giáng vào mặt tôi một cái tát đau điếng như trời giáng. Tôi cảm thấy tai mình như ù đi, nhưng vẫn còn nghe rõ giọng anh ta rít lên: “Mày dám trả treo với mẹ tao hả. Cút, cút ra khỏi nhà”.
Tôi đã ôm con đi mà không một phút giây do dự, tưởng về nhà sẽ được mọi người động viên , không ngờ cha mẹ tôi cũng không tiếc lời nhiếc móc. Họ nói tôi dại dột, con còn đỏ hỏn mà dám ôm con bỏ về nhà đẻ. Rằng đàn bà lấy chồng rồi, có chết cũng làm ma nhà chồng chứ không dại gì mà bỏ đi như thế. Mẹ tôi còn lấy làm xấu hổ vì “số tao vô phúc có đứa con gái, nhà thì hủy hôn, nhà thì xua đuổi, sống làm sao hở giời”.
Tôi nói thật, tôi đã quẫn đến nỗi nghĩ đến cái chết, nhưng con tôi còn nhỏ quá. Hôm qua chồng tôi sang nỉ non xin lỗi, ngọt nhạt bảo mẹ con tôi về. Tôi bảo anh ta về để tôi suy nghĩ đã. Nhưng gia đình tôi lại gây sức ép cho tôi: “Nó đã hạ mình sang nhà xin lỗi, đón còn không về, còn đợi nó mang kiệu sang rước mới chịu à?”.
Con gái nhà người ta, lúc khốn cùng còn có mẹ cha dang tay che chở, còn tôi “đi cũng dở, ở không xong”, chẳng lẽ lại nuốt nước mắt ôm con trở lại nhà chồng?