Đêm 17/1/2017, ngọn lửa bùng lên thiêu rụi gần 80 căn nhà chồ ở cồn Nhất Trí (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hàng trăm con người lâm cảnh màn trời chiếu đất, tay trắng.
Hết cảnh lấy xô, bưng chậu hứng nước ngày mưa bão
Một năm sau vụ cháy, đây là lần đầu tiên những hộ dân trong vụ cháy cồn Nhất Trí được đón Tết trong ngôi nhà đẹp, rộng rãi và vững chắc. Cuộc sống của họ không còn nỗi lo những ngày mưa gió, bão bùng.
Cồn Nhất Trí giờ là khu đất trống, nhường chỗ cho một dự án lớn, người dân từng ở đây đã được chuyển về tái định cư ở khu Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang).
Vụ cháy xảy ra hơn một năm, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn hằn nguyên trong ký ức nhiều người. “Nhiều đêm thức giấc, tôi vẫn nghe những tiếng la hét, kêu cứu của hàng xóm khi ngọn lửa bao trùm trong đêm khuya”, ông Nguyễn Văn Nghĩa (55 tuổi) ám ảnh.
Dọn về căn nhà mới ở khu Đất Lành được một tháng, ông Nghĩa phần nào yên tâm hơn vì mỗi khi mưa gió, bão bùng không còn đau đáu lo cho vợ, cho con phải bê xô, vác thùng hứng nước như lúc ở cồn Nhất Trí.
Nhìn 2 đứa cháu nội chạy tung tăng vui đùa trong căn nhà mới, không khó để thấy niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông hơn nửa đời người bám biển Trường Sa.
“Con cháu mình có thể yên tâm vì ngôi nhà tự tay mình thiết kế, xây dựng. Cuộc sống có thể còn khó khăn, nhưng có chỗ trú mưa, tránh gió, tụi nó khỏi lo rồi”, ông Nghĩa mỉm cười.
Nhà sát bên, người hàng xóm đang ngồi trầm tư, nhìn xa xăm, nhưng khi thấy chúng tôi, anh Lý Trận không dấu niềm vui của mình. “Con mình giờ có thể chạy đùa thoải mái mà không lo bị té sông, ngã nước nữa”, anh Trận phấn khởi.
Tại thôn Đất Lành có hơn 40 hộ ở cồn Nhất Trí được cấp đất tái định cư, hiện đã có 14 hộ đến xây nhà, dọn về ở hẳn. Ông Phạm Văn Đấu (71 tuổi) là người dọn về khu tái định cư sớm nhất. Nhưng với ông, những ngày tháng về đây không hẳn toàn chuyện vui.
Năm mới chưa dứt nỗi lo cũ
Ngay bậc thềm căn nhà cấp 4, ông Đấu thở dài: “Về đây được 5 tháng, nhưng vẫn chưa quen chú à. Thói quen mỗi sáng thức dậy, ra ghe, ném lưới mưu sinh không còn nữa. Nhiều hôm nhớ biển, nhớ bạn thuyền mà ra vào thơ thẩn”.
Không có gì để làm, lão ngư già mang mấy khúc gỗ vứt góc nhà ra đục đẽo để làm cho đứa cháu cái ghế ngồi học.
“50 năm bám biển, nay xa biển chẳng biết làm gì. Tôi già cả không nói chi, chứ mấy đứa thanh niên, chúng không làm biển thì chỉ có ngồi nhà uống trà, nghĩ đến cục tiền nợ đã vay để xây nhà”, ông Đấu nói.
Ngay cả đứa con trai ông Đấu khi không còn ghe đi biển đã chuyển sang chạy xe ôm, nhưng cuộc sống cũng không có gì sáng sủa. "Tôi thấy chưa bao giờ nó về trước 12h đêm, nhưng cuộc sống nó cũng bấp bênh lắm...", ông Đấu lại thở dài.
“Có đất, xây nhà thì vui rồi, nhưng giờ lại nợ cả trăm triệu không biết khi nào trả xong. Ở đây ai còn sức khỏe thì sáng chạy hơn 10 km ra cảng Hòn Rớ xin đi thuyền, lấy cá bán lại. Còn yếu thì chỉ ngồi nhà”, ông Nguyễn Văn Nghĩa tâm sự.
Vợ ông Nguyễn Văn Nghĩa không còn chạy chợ, chỉ ở nhà nội trợ sau khi đến khu Đất Lành. Ảnh: An Bình.
Bà Võ Thị Ánh Hương, Phó thôn Đất Lành, dường như cũng thấu hiểu hết nỗi niềm của những ngư dân nơi đây. “Mặt nào đó thì cuộc sống những người bị cháy nhà ở cồn Nhất Trí tốt lên rất nhiều. Nhưng từ khi về đây họ vất vả hơn vì xa biển...”, bà Hương giải bày.
Những ngày này, đến khu tái định cư Đất Lành không khó nhận ra những “sói biển” hơn một năm trước từng sống ở Trường Sa nhiều hơn ở nhà, nay phải thơ thẩn ra vào mà không biết mình phải làm gì những ngày tiếp theo.
“Học hành không, cái thông thạo nhất là nhìn con cá rồi quăng lưới. Nhưng giờ muốn xin việc làm cũng không ai nhận. Còn đi học cũng không ai dạy cho người 40-50 tuổi cả”, anh Lý Trận nhìn xa xăm.
Tết đã đến, người dân khu tái định cư Đất Lành rủ nhau lên núi, chặt một cành cây về gắn hoa mai giả để có không khí của mùa xuân. “Ngày mai ra chợ mua ít hoa quả, vài cân thịt về làm mâm cơm báo cáo ông bà. Tết năm nay vậy thôi chú à”, ông Nghĩa đượm buồn.
Tiếng cười đùa của những đứa trẻ ngây thơ rộn ràng cả một góc xóm nhỏ. Chúng không biết, đằng sau mấy cánh cửa vẫn còn thơm mùi sơn đang khép hờ kia là những ánh mắt u hoài, đượm buồn của những ngư dân đang "mắc cạn".