Sáng 27-1, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh năm 2018" do Báo phối hợp các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH, CĐ và được tài trợ bởi Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ chính), Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup) đã chính thức khai mạc tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk.
Đề thi khó, lưu ý kiến thức lớp 11
Hơn 1.500 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột như Lê Quý Đôn, Phú Xuân, Hồng Đức, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Buôn Ma Thuột, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk... đã có mặt từ sáng sớm, háo hức chờ giờ khai mạc.
Mở đầu chương trình, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, thông tin đến thí sinh nhiều vấn đề nóng về quy chế thi và cách xét tuyển, đặc biệt là những đặc điểm riêng của học sinh tỉnh Đắk Lắk. Đây là căn cứ quan trọng để học sinh có sự lựa chọn chuẩn xác nhất. Theo TS Mai, về cơ bản, kỳ thi năm 2018 vẫn giữ ổn định như năm 2017, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, trong đó có 4 bài theo hình thức trắc nghiệm và 1 bài tự luận. Tuy nhiên, điểm mới nhất là đề thi đã có sự thay đổi, bằng chứng là việc công bố đề thi minh họa vừa qua của Bộ GD-ĐT xuất hiện cả kiến thức trong chương trình lớp 11 thay vì chỉ lớp 12 như mọi năm. Cụ thể, chương trình lớp 11 chiếm khoảng 20% đề thi.
TS Thanh Mai cho biết việc xét tốt nghiệp như năm cũ, các địa phương vẫn tổ chức thi. Hiện có 153 mã tổ hợp xét tuyển phổ biến, trong số này, các em hoàn toàn có thể lựa chọn bài thi phù hợp với năng lực. Hiện các trường tuyển sinh ĐH dựa trên 3 phương thức xét tuyển: Kết quả tốt nghiệp THPT dựa tổ hợp 3 môn; điểm học bạ và theo đề án tuyển sinh riêng của trường, kiểm tra năng lực. Những mã phổ biến nhất, trường nào cũng tuyển là A00, B00, A01, C01. TS Thanh Mai cho biết ở Đắk Lắk năm 2017, 3 trường có 80% học sinh thi THPT để xét tuyển vào ĐH là Lê Quý Đôn, Phú Xuân, Hồng Đức.
Trước câu hỏi của thí sinh trong các ngành nghề hiện nay, ngành nào đang cần nhu cầu nhân lực nhiều nhất? Ở khu vực Tây Nguyên thì chọn nghề nào để có việc làm? TS Trần Đình Lý trả lời: Trong những năm sắp tới, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin sẽ tăng mạnh, nhiều trường đang tiến hành đào tạo đón đầu. Các ngành nghề về y tế, tư vấn tâm lý cũng ngày càng phát triển. TS Lý cũng cho biết hiện nay ở khu vực Tây Nguyên, nhóm ngành liên quan đến chế biến lâm sản, xuất khẩu là những ngành đang tạo ra nhiều doanh thu. Thế nên, nhóm ngành nông lâm nghiệp, xuất khẩu... tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động tại khu vực này.
Bám sát nhu cầu nhân lực địa phương
Chương trình sáng 27-1 chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của thí sinh đối với các trường ĐH, CĐ đóng tại khu vực Tây Nguyên, bằng chứng là hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các trường này về hình thức xét tuyển, cơ hội việc làm...
Một thí sinh đặt câu hỏi: Em mê ngành sư phạm nhưng sợ ra trường thất nghiệp. Học CĐ Sư phạm Đắk Lắk ra trường em có thể xin việc ở nơi khác được không? ThS Trịnh Đức Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, giải đáp: "Trường đào tạo đội ngũ giáo viên hệ CĐ các bậc học mầm non, tiểu học, THCS... Trong những năm qua, số lượng sinh viên ra trường ở một số ngành có việc làm khoảng 80% như: giáo dục tiểu học, đặc biệt giáo dục mầm non. Tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở tất cả mọi nơi không riêng gì Đắk Lắk. Đối với các ngành sư phạm, sẽ tuyển học sinh hộ khẩu ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; đối với các ngành ngoài sư phạm, chúng tôi tuyển sinh cả nước và miễn học phí. Trường đào tạo theo tín chỉ, chương trình mở".
Em Trần Huyền Như, học sinh Trường THPT Phú Xuân, hỏi: Ngành lâm sinh của Trường ĐH Tây Nguyên đầu vào thế nào? Thầy cô tư vấn giúp em học ngành nào hợp với sự phát triển ở Đắk Lắk? TS Đào Xuân Thu, Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng lâm sinh, lâm nghiệp là những ngành mũi nhọn chủ đạo của Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk. Lĩnh vực này đang được nhà nước phát triển, do đó, sự quan tâm của các em rất hợp lý.
"Tôi mong muốn nhiều thí sinh quan tâm hơn nữa về ngành này. Năm 2017, ngành này ở Trường ĐH Tây Nguyên có điểm đầu vào bằng điểm sàn của bộ: 15,5. Sau 4 năm học tập, các em tốt nghiệp sẽ có việc làm tại: Công ty nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Dự báo trong tương lai, ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ vươn lên mạnh, rộng mở" - TS Thu nói.
Em Minh Khang, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, hỏi: Em giỏi vật lý, không giỏi tiếng Anh nhưng thích các ngành liên quan đến cơ khí, khoa học - công nghệ, em định thi khối ngành A00, vậy nên thi ngành nào. PGS-TS Phan Nguyễn Luân Vũ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tư vấn: Có rất nhiều cơ hội học nhóm ngành liên quan đến cơ khí, công nghệ, điện, xây dựng... Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nếu kém tiếng Anh thì cần tăng cường rèn luyện ngoại ngữ này vì sắp tới, chúng ta sẽ đối mặt cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra toàn thế giới. Để đón đầu cơ hội, các em có thể theo học các nhóm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, kết nối vạn vật. Ngoài ra, các em không những giỏi về khoa học mà còn có kỹ năng về tư duy phản biện, làm việc nhóm...
Băn khoăn về ngành sư phạm
Nhiều thí sinh đặt câu hỏi về ngành sư phạm, nhất là những biến động về điểm ở khối trường này trong thời gian gần đây. Ban tư vấn đã nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh như: Năm nay em nghe nói thi vào các trường sư phạm rất khó, mục đích là để chọn những thí sinh thật giỏi để vào học sư phạm. Vậy điểm xét tuyển vào trường có cao không?
ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng có nhiều ý kiến lâu nay cho rằng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", ý nói là điểm vào trường sư phạm rất thấp. Tuy nhiên, đến tận năm ngoái, điểm xét tuyển vào trường vẫn ở mức cao, nhất là các ngành sư phạm toán, lý, hóa.
Còn năm nay, phương án tuyển sinh của trường vẫn theo phương án cũ, tức là xét dựa theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia và các tổ hợp xét tuyển truyền thống. Trường sẽ xét theo mức điểm từ cao trở xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Cho nên, mức điểm cao hay thấp phụ thuộc vào số hồ sơ nộp xét tuyển vào trường chứ không phải bỗng dưng trường quyết định điểm cao hay thấp để chọn thí sinh.
Hôm nay "Đưa trường học đến thí sinh" tại Gia Lai
Vào lúc 8 giờ ngày 28-1, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Ban tư vấn chương trình gồm có TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, TS Trần Cao Bảo - Trưởng Ban Giảng viên Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai, TS Phan Ngọc Minh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing, ThS Phan Lê Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, TS Đào Xuân Thu - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ThS Võ Hoàng Sơn - Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Buôn Ma Thuột, ThS Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn và đại diện Trường CĐ Sư phạm Gia Lai.