Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp Phạm Đình Thúy cho biết: "Số lượng doanh nghiệp lớn, có giá trị toàn cầu của Việt Nam đứng trên đầu ngón tay. Hi vọng trong tương lai các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn lên".
Trong vòng 5 năm qua, cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hiện nay doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang giảm dần về quy mô, hoạt động kinh doanh. Ngược lại, khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang phát triển đóng góp cho kinh tế xã hội.
Cụ thể, số lượng DNNN giảm từ 1,01% còn 0,53% trong vòng 5 năm qua, doanh thu và đóng góp ngân sách nhà nước đều giảm. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN theo hướng giảm dần.
Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang phát triển rất mạnh theo xu thế của nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp tăng từ 96,2% lên 96,7%, doanh thu tằng từ 51,1% lên 56%, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực này cũng tăng lên. Tổng cục Thống kê cho rằng khu vực này đang thực hiện tốt vai trò trụ cột, là khu vực kỳ vọng của nền kinh tế.
Số lượng doanh nghiệp FDI không nhiều, giữ ổn định ở mức 2,8%. Tuy nhiên đây hầu hết các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Xét về cơ cấu theo khu vực, số liệu cho thấy số lượng doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản rất khiêm tốn và đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu vẫn là kinh doanh manh mún ở các hộ gia đình. Thời gian qua khu vực công nghiệp có cải thiện, khu vực dịch vụ tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra lý giải về thông tin một số chuyên gia cho rằng quy mô khu vực phi chính thức ở Việt Nam chiếm khoảng 30% toàn nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ đã giao Tổng cục thu thập số liệu, nghiên cứu về thành phần này. Tổng cục Thống kê đưa ra khái niệm về khu vực kinh tế chưa quan sát được, trong đó khu vực kinh tế không chính thức chỉ là 1 trong số 5 cấu phần của khu vực này.
5 thành phần thuộc nhóm chưa quan sát được theo định nghìa của Tổng cục Thống kê là kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, kinh tế phi chính thức, kinh tế tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót khi điều tra thu thập thông tin.
Vị Tổng cục trưởng cho biết Tổng cục đã có nghiên cứu về khu vực kinh tế tự sản tự tiêu. Với khu vực kinh tế bị bỏ sót là xác suất trong thống kê, quốc gia nào cũng gặp phải, không chỉ riêng Việt Nam. Khu vực kinh tế ngầm và phi pháp rất khó thống kê. Tuy nhiên, Tổng cục cũng đã có đề án trình Chính phủ để giải quyết điểm nghẽn thông tin này.
Còn khu vực kinh tế phi chính thức, theo ông Lâm chỉ là khu vực mà người dân không đăng ký hoạt động kinh doanh.
"Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không thể cao đến 30%. Cần xem lại phương pháp tính và đặt trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ ở các nước đánh bài, mạּi dâּm hợp pháp trong khi đó ở Việt Nam là phi pháp", ông Lâm cho biết.
Một ví dụ khác được ông Lâm đưa ra đối với các hoạt động buôn lậu, ma túy. Hoạt động này tuy phi pháp nhưng đem lại thu nhập cho người tham gia. Thu nhập này một phần sẽ được sử dụng vào hoạt động tiêu dùng. "Nếu quan sát từ bên sản xuất sẽ không đầy đủ về kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp nhưng nếu quan sát từ tiêu dùng đã thấy được một phần", ông Lâm nói.