Hi vọng sẽ có sự đổi thay nào đó, một sức sống mới để vùng đất này có thể hồi sinh…
Nỗi đợi chờ của những đứa trẻ
Cơn bão ma túy dường như vẫn chưa chịu rời bỏ bản làng dọc con sông Nậm Nơn ở miền Tây xứ Nghệ này. Không chỉ bởi số liệu của công an cung cấp: 77 người đang thụ án liên quan đến vận chuyển, tàng trữ, buôn bán ma túy, 29 người đã trả được án và còn 148 người nghiện… mà còn ở vạt rẫy thiếu người trồng, ở ngôi nhà xiêu vẹo trống hoác chỉ còn ông bà già, ngày ngày vẫn còng lưng lên rừng chặt nứa gùi về bán lấy tiền…
Và ám ảnh nhất là những đứa trẻ sớm chịu cảnh mồ côi, hoặc bố, mẹ đi tù khi các em còn chưa ý thức hết được nỗi thiếu thốn thiệt thòi tình cảm gia đình, và lớn dần lên với mỗi mặc cảm giấu kín…
Thầy Trần Quốc Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lượng Minh nói, giọng không nén nổi xót xa: Toàn trường có 278 em học sinh, thì đã có 24 trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc người mất, người đi tù, hoặc cả 2 đều đang thụ án, các em sống với ông bà, họ hàng.
Còn số học sinh có 1 trong 2 bố mẹ mất sớm, đi tù thì nhiều lắm, tất cả hơn 40 em. Giở bất kỳ một trang sổ điểm của lớp nào ra cũng không khó bắt gặp dòng chữ bố mất, mẹ đi tù bên cạnh tên học sinh. Chắc không có ngôi trường nào, ở nơi nào lại có nhiều hoàn cảnh học sinh éo le đến vậy.
Em Vi Quang T. (bản Minh Phương) năm nay học lớp 6, chừng ấy thời gian em đi học, là chừng ấy năm em không có bố mẹ ở bên, vì cả 2 đều dính án ma túy. Bố đi trước, mẹ đi sau. Năm em học lớp 3 thì bố về, nhưng đến năm ngoái thì bố lại đi tiếp. Giờ thì cả hai đều đang thụ án ở trại 6 (Thanh Chương). Số án của mẹ là 17 năm, T. nói đến năm 2020 là mẹ được ra tù rồi, còn bố em mới đi tù lại, mức án 15 năm, còn lâu nữa mới về, giọng nói của cậu bé chất chứa bao nỗi niềm mong mỏi…
Cùng chung hoàn cảnh như T, em ở Lê Thanh M. (trú tại bản Đửa) năm nay đã học lên lớp 9. Cậu học trò khi thì ở với ông bà, khi thì ở với bác để đi học. Gương mặt hồn nhiên, lẫn giữa bạn bè cùng trang lứa, nhưng nhắc đến gia đình, đôi mắt em vội nhìn đi hướng khác.
Bố em đang thụ án tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương), còn mẹ thì thụ án ở tận trong Quảng Bình. Em kể có đi thăm bố và mẹ mấy lần, bác đưa đi. Mẹ thì có nhận ra em, nhưng bố thì không, vì em lớn nhanh quá. Bố mẹ dặn em ở nhà học cho giỏi, nghe lời ông bà. Em cũng nói với bố mẹ là cải tạo cho tốt để sớm về với em.
Hi vọng hồi sinh nơi đất chết
Có lẽ, cũng ít ở nơi nào, những đứa trẻ sinh ra đã sớm biết đến sự hiện diện của ma túy bằng cách xót xa như thế. Qua sự thiếu vắng bố mẹ, qua hình dung về người thân chỉ trên tấm ảnh, qua nỗi nhớ và chờ mong suốt quãng thời ấu thơ khi bố mẹ ở trại chưa về. Theo lời các thầy cô Trường PTDTBT THCS Lượng Minh, chuyện những đứa trẻ ở bản mồ côi, bản ma túy, lớn lên cùng ông bà, họ hàng đã trở quen thuộc ở vùng đất này suốt hàng chục năm qua.
“Thật mừng là từ năm học 2016 – 2017, trường nhận quyết định thành lập trường dân tộc bán trú. Từ đó, nhà trường quản lý các em một cách quy củ, nề nếp, duy trì sỹ số học sinh. Bậc tiểu học, có điểm trường ở gần nhà để học sinh thuận tiện đi lại, còn lên THCS các em phải tập trung hết ra ngoài này. Nhiều bản ở vùng lòng hồ như Xốp Cháo, Cà Mong, học sinh vừa đi bộ, vừa đi thuyền để đến lớp, nguy cơ nghỉ học rất cao”, thầy Trần Quốc Hùng nói.
“Nói thật, tổ chức bán trú thầy cô vất vả đủ đường, vừa dạy học, vừa là cha, là mẹ để mắt trông chừng hàng trăm đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, tâm lý thật thường. Nhưng vẫn còn đỡ lo hơn là để các em ở nhà. Chẳng ai nói trước được điều gì, khi môi trường xung quanh các em vẫn còn người nhiều người nghiện ma túy, trong đó không ít là anh em, họ hàng… thầy Trần Văn Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.
Ngày nào cũng vậy, cả ngày lẫn đêm, các thầy cô, kể cả ban giám hiệu nhà trường luân phiên nhau trực bán trú. Nhắc nhở các em học hành, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, chiếu phim nội dung giáo dục học đường, chúc mừng sinh nhật các bạn trong tháng… Qua đó, rèn luyện kỹ năng sống, cũng như không khí đoàn kết, yêu thương trong học sinh.
Lời nói đầy trăn trở của thầy Trần Văn Dương khiến tôi nghĩ mãi: ma túy gần như đã khiến cho gần như một thế hệ của những bản làng này sa vào nghiện ngập, tù tội, và cả chết chóc. Thậm chí có những gia đình cả 2 thế hệ đi tù, để lại những đứa trẻ bơ vơ, ở với anh em, họ hàng, cuộc sống thiếu thốn, vất vả. Nhưng còn thế hệ của các em, những đứa trẻ đang lớn lên, thì không thể nào như thế được nữa.
Trước mắt vẫn còn muôn vàn khó khăn, còn cám dỗ, nhưng những người thầy người cô ở đây đang cố gắng hết sức từng ngày để không chỉ dạy các em kiến thức, hiểu biết, lối sống lành mạnh mà để các em biết ước mơ, khát vọng. Lớn lên làm người tử tế, lương thiện… bởi mai này, toàn bộ tương lai của bản làng, sự hồi sinh của vùng đất chết, những mùa xuân mới trên mảnh đất cuối nguồn Nậm Nơn này là ở các em, ở những đứa trẻ đang lớn.
Và tôi đã nhìn thấy, niềm hi vọng của mình nằm ở đâu…