Báo điểm lại những sự kiện nổi bật nhất của ngành giáo dục trong năm 2017.
Hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi (Ảnh Nguyễn Nam)
Thành công của Kỳ thi THPT Quốc gia 2017
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã diễn ra thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho thí sinh và phụ huynh, giảm thiểu tiêu cực. Đặc biệt, kỳ thi đã được chuyển về cho các địa phương chủ trì, tổ chức với nguồn lực chủ yếu của địa phương. Cái được lớn nhất của kỳ thi năm nay là tiết kiệm chi phí chung cho cả xã hội từ việc ăn, ở, đi lại...
Kỳ thi cũng hạn chế được tối đa tiêu cực trong thi cử. Số thí sinh vi phạm quy chế thi cũng giảm rõ rệt. Năm 2017, toàn kỳ thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, trong khi đó năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ.
Đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay tại kỳ thi Olympic quốc tế 2017
Chưa có năm nào mà thành tích của các đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế lại "đẹp" và làm nức lòng người như năm nay. Cả 5 đoàn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học 2017 đều đạt "kỳ tích" cao nhất kể từ ngày tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế đến nay. Toàn kỳ thi, đoàn Việt Nam có 22 thí sinh tham dự, trong đó có 21 thí sinh giành huy chương; 1 thí sinh được tặng bằng khen.
Môn Toán có 6 thí sinh tham dự, cả 6 thí sinh đều giành huy chương. Trong đó có 4 huy chương vàng; 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Đoàn Việt Nam xếp thứ 3 trong tổng số 112 quốc gia tham dự. Môn Hóa có 4 thí sinh tham dự, 3 thí sinh giành huy chương vàng; 1 thí sinh giành huy chương bạc. Đoàn Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 76 quốc gia tham dự. Môn Vật lý có 5 thí sinh tham dự, 4 thí sinh giành huy chương vàng; 1 thí sinh giành huy chương bạc. Đoàn Việt Nam xếp thứ 5 trong tổng số 86 quốc gia tham dự. Môn Sinh học có 4 thí sinh tham dự, 1 thí sinh giành huy chương vàng; 2 thí sinh giành huy chương bạc và 1 thí sinh được nhận bằng khen. Môn Tin học có 3 thí sinh tham dự, 1 thí sinh giành huy chương vàng; 2 thí sinh giành huy chương đồng. Đoàn Việt Nam xếp thứ 17 trong tổng số 84 quốc gia tham dự.
Những trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định quốc tế
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Bách khoa TP.HCM đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp trao chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo vào ngày 17/10/2017.
Đây là những trường đại học đầu tiên của Việt Nam được một tổ chức quốc tế kiểm định, đánh giá và công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Để được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định của HCERES, 4 trường đại học Việt Nam đã có một quá trình phấn đấu bền bỉ, luôn lấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học làm mục tiêu hàng đầu trong tất cả các hoạt động. Kết quả này được HCERES của Pháp kết luận đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.
Siết chặt quy chế đào tạo tiến sĩ
Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 18/5/2017, thay thế quy chế ban hành năm 2009 và sửa đổi, bổ sung năm 2012.
Theo đó, cấu trúc của quy chế mới ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn. Quy chế cũng bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
Mặt khác, Quy chế mới ban hành cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra, Quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công trình nghiên cứu được công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Ngày 27/7, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Chương trình GDPT tổng thể nêu lên 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Về năng lực, chương trình hướng đến 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại). Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh. Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp:
Năm 2017, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý là xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đề xuất miễn học phí hết THCS
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành đã đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí đến hết cấp THCS thay vì hiện nay mới chỉ miễn đến hết cấp tiểu học. Tờ trình nêu rằng, có nhiều ý kiến đóng góp là cần tiếp tục quán triệt thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, Pháp Luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục. Căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.
Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục tới cấp THCS. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí là học sinh THCS trong hệ thống trường công lập hiện hành. Theo đó, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc Trung ương quản lý. Riêng các cơ sở ngoài công lập, các trường chất lượng cao thì được phép chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Tính đến năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học là 92,16%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%; cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non được cải thiện; trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao.
Hết tháng 3/2017, đã có 80,17% số trẻ mẫu giáo, 85,5% số trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa tại lớp; 41,04% số trường mầm non được đánh giá đạt chuẩn kiểm định cấp độ 1 trở lên…. 99,1% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp tỉnh đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Bỏ các cuộc thi không cần thiết
Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương tinh giảm những cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh phổ thông bắt đầu từ tháng 5/2017. Theo đó, từ năm học 2017 - 2018, các Sở GD-ĐT không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Bộ GD-ĐT cũng sẽ không cấp xác nhận thành tích của giáo viên, học sinh được Sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.
Được biết, trước đó tháng 12/2016, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT rà soát lại việc tổ chức các cuộc thi đang triển khai tại địa phương. Kết quả cho thấy có quá nhiều cuộc thi, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.