Thứ nhất, vấn đề tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin, dữ liệu, vốn là điểm vướng mắc trong nỗ lực xếp hạng đại học trong nước. Ở một khía cạnh khác, công khai lý lịch khoa học của toàn bộ đội ngũ giảng viên đại học, các học giả và nhà khoa học để có thể kiểm chứng hồ sơ năng lực cá nhân, chẳng hạn thông qua danh mục mở (open directory), cũng sẽ góp phần minh bạch hóa, nâng cao chất lượng và uy tín các hội đồng khoa học ngành, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (ngành và liên ngành) cũng như các hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ, và chất lượng hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Thứ hai, chỉ số đo lường kết quả nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sỹ và các tiêu chí công nhận chức danh GS, PGS (gồm số lượng và chất lượng công bố quốc tế đối với các bậc học hàm, học vị, giáo viên hướng dẫn luận án, thành viên các hội đồng thẩm định, đánh giá, xét duyệt). Xây dựng tiêu chuẩn đối với giảng viên đại học các ngành và chuyên ngành khác nhau cũng có thể là mục tiêu sau khi chuẩn giáo viên phổ thông và hiệu trưởng trường phổ thông được ban hành.
Thứ ba, niềm tin vào kiểm định chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng nhà nước. Năm 2018 là thời điểm hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia được triển khai đại trà ở cả cấp chương trình và cấp trường. Với kết quả dự kiến cũng mang tính đại trà, các trường có năng lực thực sự sẽ tiếp tục lựa chọn kiểm định chất lượng quốc tế như một phương cách phân biệt mình với số đông. Cuộc đua kiểm định chất lượng quốc tế sẽ còn tiếp tục mở rộng, dù đây không phải là phương án tối ưu.
Thứ tư, những thay đổi trong Luật Giáo dục đại học liên quan tới Hội đồng trường. Do mô hình quản trị của đại học công lập chưa được xác lập rõ ràng, cấu trúc tổ chức của trường đại học trên thực tế không được phản ánh đầy đủ trong Luật, Hội đồng trường vẫn gặp khó khăn trong thực hiện chức năng và vai trò của mình.
Bên cạnh đó, tự chủ đại học vẫn tiếp tục là sự giằng co giữa các trường và cơ quan quản lý nhà nước do khái niệm và cơ chế ràng buộc giữa quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình và năng lực tự chủ còn chưa rõ ràng. Về căn bản, tự chủ đại học vẫn là “sân chơi” dành những trường biết chủ động, tức là chủ động “đòi”, chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng, chủ động thực hiện trách nhiệm giải trình, và có lãnh đạo nhanh nhạy, năng động.
Thứ năm, vấn đề tính toán, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh các ngành vì đây là điểm đầu vào mấu chốt trong bài toán quy hoạch tối ưu mạng lưới đại học, nhằm xử lý tình trạng thừa nhân lực tốt nghiệp. Dự báo sẽ có những thay đổi theo hướng không phân bổ chỉ tiêu tràn lan.
Thứ sáu, giáo dục STEM và phát triển không gian sáng tạo (maker-spaces) sẽ là ưu tiên của nhiều trường, nhưng kết quả phụ thuộc việc họ có tìm ra được cơ chế tổ chức, phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các trường đại học và doanh nghiệp.
Trên hết, nếu tất cả các đề xuất, quyết sách đạt được sự nhất quán và có cơ sở khoa học (evidence-based) thì chắc chắn sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho giáo dục đại học trong năm 2018.