"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động mua tên lửa S-400 của họ," phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay. "Một hệ thống phòng thủ tên lửa tương thích của NATO vẫn là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi mọi mối đe dọa trong khu vực”, ông Michael nói.
"Chúng tôi đã có cuộc đối thoại công khai về vấn đề này và chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính tương thích trong NATO trong bất kỳ hoạt động mua bán hệ thống phòng thủ lớn nào”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang có một mối quan hệ giao dịch quốc phòng cũng như mua bán vũ khí quân sự “lớn và mạnh mẽ”.
Theo ông Michael, "Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi việc mua các hệ thống phòng thủ tên lửa từ các nước thành viên NATO, trong đó có hệ thống Patriot của Mỹ, vì nhu cầu phòng không lâu dài và to lớn của họ. Mỹ cam kết xúc tiến việc bàn giao các thiết bị quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua”.
Trước đó, hôm 29/12, đài truyền hình Haberturk TV đưa tin, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận vay giúp Ankara mua được các hệ thống S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức ký hợp đồng mua 4 hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga với trị giá 2,5 tỉ USD. 55% tổng giá trị hợp đồng được thanh toán thông qua khoản vay của Nga, Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Rostec của Nga - ông Sergey Chemezov cho tờ Kommersant biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên báo chí hôm 27/12. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả 45% tổng giá trị hợp đồng trước. 55% còn lại được thanh toán thông qua khoản vay từ Nga. Nga sẽ bắt đầu hoạt động bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Ba năm 2020.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô. Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.
Đã có nhiều tiếng nói trong phương Tây bày tỏ quan ngại về hợp đồng vũ khí giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Mỹ. Mỹ từng cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng S-400 của Nga sẽ gây ra vấn đề liên quan đến tính tương thích về mặt kỹ thuật với các thiết bị quân sự khác của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ từng thẳng thừng cảnh báo, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sẽ có hậu quả.