Tính tới ngày 20/11, các nhà xuất bản (NXB) đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm. Trong đó, lượng sách in là 25.431 cuốn, với 293.191.225 bản. Sách điện tử chỉ có 137 xuất bản phẩm, còn lại là các xuất bản phẩm khác như tờ rơi, bản đồ, lịch...
Năm 2017, Cục Xuất bản tăng cường hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, đã cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản của 2.476 hồ sơ từ các NXB thông qua Cổng thông tin điện tử của Cục.
Trong năm, Cục Xuất bản cũng phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm. Trong đó có 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, 33 xuất bản phẩm vi phạm khác. Cục đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 745 triệu đồng.
Nhằm tăng cường chất lượng nội dung sách, công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề biên tập vẫn được tiếp tục. Trong năm, Cục cấp 74 Chứng chỉ hành nghề biên tập cho biên tập viên NXB.
Bản tổng kết cho thấy, hiện nay cả nước có 60 NXB, trong đó 49 NXB thuộc cơ quan Trung ương và 11 NXB địa phương, hoạt động theo hai loại hình: đơn vị sự nghiệp công lập (44 NXB) và doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu (16 NXB).
Cục Xuất bản cũng đang tiến hành tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấp đổi giấy phép thành lập 4 NXB trong năm 2017. Như vậy, tới nay đã có 37 NXB được cấp đổi giấy phép thành lập.
Theo bản tổng kết, cả nước hiện có 14.000 cơ sở phát hành sách, xuất bản phẩm. Trong đó có 117 đơn vị phát hành sách tỉnh, thành phố, 300 doanh nghiệp phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế, gần 13.500 hộ kinh doanh, điểm bán sách.
In lậu, sách giả là vấn nạn tồn tại trong năm 2017.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành xuất bản còn tồn tại nhiều khó khăn trong năm. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất bản chưa đồng bộ, dẫn đến công tác điều hành, quản lý và thực thi công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm còn vướng mắc như tiền thuê nhà đất, chính sách đầu tư phát triển....
Một số cơ quan chủ quản NXB chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát hoạt động chuyên môn của NXB; chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho NXB như: vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chưa phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, quản lý nội dung cũng như quá trình xử lý sai phạm của NXB.
Thị trường xuất bản phẩm tại một số khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm cho đồng bào các dân tộc ở địa bàn trên.
Lực lượng thanh tra liên ngành xuất bản, in, phát hành ở Trung ương và địa phương còn mỏng, thường xuyên có sự thay đổi, không ổn định. Hiện tượng in lậu, in nối bản trái phép vẫn còn tiếp diễn và phức tạp.