- Sự trở lại của anh với Nhà hát kịch Hà Nội là một điều bất ngờ thú vị. Sau bao năm ra đi, lần trở về này có ý nghĩa gì ?
- Tôi rời Nhà hát kịch Hà Nội cách đây 12 năm để đeo đuổi ước mơ trở thành đạo diễn. Hơn chục năm rồi, hôm nay được mời về để diễn lại vở kịch Cuộc chia tay tháng sáu mà tôi và nhiều đồng nghiệp đã cùng diễn với nhau cách đây 25 năm. Cũng dàn diễn viên của từng ấy thời gian về trước, cũng vở kịch ấy, nhưng những tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp ở đây cùng những kỷ niệm của quá khứ làm tôi thấy thực sự xúc động. Tuy thời gian cũng rất dài, nhưng tôi cảm thấy rằng những người bạn ấy chưa bao giờ quên mình, họ luôn dành cho tôi những tình cảm trân trọng đáng quý. Thực sự tôi rất vui vì điều đó.
- Đảm nhiệm cả “chức vụ” đạo diễn và diễn viên trong phần tiếp theo của bộ phim truyền hình “Cảnh sát hình sự”, anh gặp phải những khó khăn gì?
- Khó khăn thì nhiều vô kể, bởi đây là bộ phim mang tính chất hình sự, các yếu tố chuyên môn luôn được đặt lên hàng quan trọng. Trong quá trình quay, để xử lý các tình huống linh hoạt, cả diễn viên và dạo điễn luôn phải có sự tinh tế và nhạy cảm tuyệt đối. Một vấn đề nữa là việc vào vai các chiến sĩ cảnh sát. Bản thân người diễn viên không có sự xô xát với thực tế nên rất khó để thể hiện thuần thục các kỹ năng nghiệp vụ. Vì vậy, không thể tránh khỏi việc bỡ ngỡ, diễn "không thật", có cảnh cứ phải quay phải quay đi quay lại nhiều lần. Nhiều đoạn chưa ưng ý chúng tôi phải thực hiện đến khi thực sự hài lòng, với hy vọng mang lại những nội dung sát thực nhất, chân thật và lột tả nhất cho bộ phim.
- Trong thời gian quay phim, kỷ niệm nào với anh thực sự đáng nhớ?
- Có một chuyện rất thú vị là trong quá trình làm phim, để thực hiện đúng theo nội dung kịch bản, chúng tôi phải đi thực tế để tìm một nhà cao tầng khép kín có cây to trồng ở gần tường rào. Lúc đầu thì tưởng là đơn giản, nhưng hóa ra lại phức tạp không ngờ. Nhà thì thấp quá, nhà thì vừa ý nhưng lại không… có cây. Địa điểm quay phim là vùng mà dân trồng mít rất nhiều, vì thế chúng tôi đã quyết định ghi vào kịch bản là tên sát nhân trèo qua cây mít để trốn thoát. Nhưng tìm mãi chẳng có, cuối cùng may sao lại có một gia đình có căn nhà như thế, nhưng họ lại trồng… nhãn. Vậy là lại phải thay đổi lại kịch bản cho khớp. Dẫu sao tìm được thế cũng là tốt lắm rồi. Chỉ riêng chuyện tìm khung cảnh thôi, cũng đã khiến đoàn làm phim nhiều lúc dở khóc dở cười như thế. Đó chỉ là một trong những kỷ niệm trong quá trình mà chúng tôi thực hiện bộ phim này.
- Hết làm đạo diễn, làm "cảnh sát", rồi chuyển sang kinh doanh, anh thấy thế nào với sự quay cuồng trong công việc ấy?
- Nói thật là nhiều khi tôi cũng mệt mỏi. Nhưng tôi lại muốn cảm ơn sự mệt mỏi ấy rất nhiều. Có thời gian, tôi căng thẳng và nghĩ mình nên dừng lại nghỉ ngơi đôi chút. Tôi không nhận bất cứ lời mời nào nữa và thỏa hiệp mình với những sự nhàn tản vui thú. Tưởng là sẽ hạnh phúc lắm đấy, sẽ vui vẻ lắm đấy. Nhưng chỉ 3 ngày sau là tôi phát hoảng lên với chính mình. Và lại lao vào làm việc, lại lao vào guồng quay mà cuộc sống dành cho mình, để cống hiến, để hăng say. Đời là thế mà, đấy là quy luật. Tôi nghĩ, chỉ khi nào già không làm gì được nữa thì mới dừng lại. Còn bây giờ vẫn sống, vẫn tồn tại, thì phải sống hết mình, sống cho ra sống thì mới được.
- Nhưng nếu cái guồng quay ồn ào ấy làm xáo trộn sự bình yên nơi tổ ẩm của anh thì sao?
- Nói không sóng gió, không ồn ào thì cũng chẳng phải. Cuộc sống là thế. Lúc nào cũng thế, phải tiếp nhận và xử lý những bất ổn. Có khi, tôi mang những cái thất thưòng không yên ổn ấy về nhà, và cũng có khi, mang những điều ấy từ nhà đến sân khấu. Biết làm sao được, con người thì luôn như thế. Chỉ có điều, sau những chòng chành ấy, phải cố gắng ngồi lại, để tĩnh trí và vỗ về hạnh phúc của chính mình. Thú thật, nhiều năm đi diễn, tôi cũng học hỏi được không chỉ những kỹ năng nghề, mà cả những kinh nghiệm sống quý báu. Hồi trẻ tôi cũng ước mơ, tham vọng nhìều, khát khao được làm biết bao điều. Có cái thành công, cũng có cái thất bại, nhưng qua cái tuổi thanh niên sôi nổi ấy rồi, mình lại chùng xuống, chùng xuống để chấp nhận và trưởng thành. Bây giờ, hạnh phúc của tôi, là người vợ, là hai cậu con trai khôn lớn. Chấp nhận để được như thế. Không nhiều, nhưng là quá đủ cho hạnh phúc của riêng tôi.
- Anh nói nhiều về khát vọng, về tuổi trẻ. Vậy anh thấy tuổi trẻ thời đại này khác thế nào so với thời của anh, với những đam mê của anh ngày ấy?
- Thanh niên mỗi thời đều có cái nhìn và cách sống khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm. Tôi cho rằng đó là điều tất lẽ phải thế. Nói thật, tôi ghét những điều đao to búa lớn. Có nhiều vấn đề, chỉ đơn giản là điều nhỏ nhặt, nhưng người ta mang ra mổ xẻ, chụp mũ, quy kết cho cả một thế hệ, cả một tập thể con người. Mà suy nghĩ của con người thì đa dạng lắm, thành ra cuộc sống lại càng phức tạp, càng mệt mỏi. Tôi hay nhìn mọi thứ ưu ái lắm, không phải thỏa hiệp, mà là nhìn từ nhiều khía cạnh, và nhìn từ sự trìu mến hơn là cái nhìn soi mói, thiếu khách quan.
- Nhưng trong giới văn nghệ sĩ các anh, có biết bao nhiêu điều phức tạp và rắc rối. Anh nghĩ thế nào nếu cứ có cái nhìn ưu ái như thế?
- Tôi không nói đến sự thỏa hiệp. Tôi cũng không muốn nói nhắc những điều đã được nói quá nhiều. Chỉ là tôi cảm thấy rằng mỗi người nên sống bằng cái tâm của mình, còn lỗi của ai, thì cá nhân người ấy phải chịu trách nhiệm. Những điều đáng tiếc đã xảy ra, tất nhiên phải có sự khắc phục. Với tư cách là đạo diễn, khi tuyển lựa diễn viên, chúng tôi cũng phải yêu cầu diễn viên ấy phải đảm bảo nhân thân của chính mình. Bởi lẽ, không ai nắm tay được cả ngày, không ai đảm bảo đến ngày mai mình sẽ như thế nào. Tất cả cũng chỉ là trên giấy tờ. Còn quan trọng, vẫn là cái khó khăn nhất mà người nghệ sĩ chân chính phải vượt qua, đó là sống thế nào để giữ hình tượng tốt trong lòng người hâm mộ. Điều đó mới là quan trọng.
- Thế còn với phương diện của người cha, anh nghĩ thế nào về chuyện dạy con trong thời buổi mà chính anh cũng thấy là rắc rối này?
- Đúng là đời sống bây giờ đa dạng hơn, muôn hình muôn vẻ hơn rất nhiều. Nhưng là cha, tôi hiểu tính con mình, và tôi luôn tin tưởng con. Chỉ mong sao mình hiểu các con hơn, xem con thích gì, con cần gì, đó mới là điều quan trọng. Tôi có cảm giác rằng trẻ bây giờ sống trong môi trường phải đối diện với nhiều khó khăn hơn thời chúng tôi thời trước, vì thế mình phải dạy con dưới cái nhìn ưu ái, nhưng trong khuôn khổ cùng tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ nữa. Đó là cách mà tôi nuôi dạy con khôn lớn và trưởng thành.
Nguyễn Hương thực hiện