Tin liên quan
Theo tác giả Bùi Hiền, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Hiện tại, chúng ta sử dụng hai, ba chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ, C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng hai chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh.
Đó là hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm. Từ đó, ông đề xuất bộ chữ cái Tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự mà theo ông cách viết này sẽ tiết kiệm thời gian, vật tư, sức lực tới 8%.
Có người ủng hộ đề xuất khi nói: “Tại sao lại phản ứng trước đề xuất mới như vậy? Phải có hàng trăm, hàng nghìn đề xuất cải tiến may ra mới có một đề xuất dùng được. Vì thế, nên hoan nghênh mọi sáng kiến, đặc biệt là những sáng kiến không dùng đến ngân sách, chứ sao lại vùi dập?”.
Xin thưa, không có sự vùi dập nào ở đây cả. Chẳng qua là phương án do PGS.TS Bùi Hiền đề xuất nhằm tránh lỗi chính tả có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt nên ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận. Trong khi, Tiếng Việt nó trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nó là cả một quá trình đấu tranh, gìn giữ, phát huy của cả một dân tộc, giống nòi.
Dẫu biết, đã là khoa học là phải có nghiên cứu, trao đổi và đề xuất. Nhưng bản chất của khoa học là làm cho mọi sự vật, hiện tượng đi từ khó đến dễ, từ phức tạp đến đơn giản để cho người học, người đọc dễ tiếp thu. Có thể người viết cũng như phần đông dư luận chưa đủ tầm để hiểu được cải tiến mới này của PGS.TS Bùi Hiền, cũng như không thể tin nổi vào bản thảo đang đọc.
Tuy nhiên, ngay chính bản thân ông cũng phải thừa nhận sự ngớ ngẩn thì sao dư luận có thể dễ dàng chấp nhận đề xuất đó được. Ông nói: “Ngôn ngữ có lịch sử lâu đời, những cải tiến động chạm đến chữ quốc ngữ rất nhạy cảm, việc đưa ra không có chuẩn bị sẽ gây sốc. Nếu tôi là một người bình thường, tự dưng đọc qua loa về cải tiến này thì chính tôi cũng cảm thấy ngớ ngẩn!”
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đặng Ngọc Lệ - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM khẳng định, không cần thiết có thêm cải cách nào về Tiếng Việt, đặc biệt là chữ viết. Ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả tiếng Anh được thế giới sử dụng cũng có những bất hợp lý về mặt chữ viết nhưng nó vẫn tồn tại bao lâu nay. “Ngôn ngữ có sự gắn bó với bề dày lịch sử, văn hóa, kinh tế và nhiều vấn đề khác. Ngôn ngữ chính là thói quen, tập quán của người sử dụng nó. Do vậy nếu đặt ra việc thay đổi chữ viết sẽ tác động nhiều mặt”. - PGS.TS Đặng Ngọc Lệ nói.
Hiểu theo lời vị Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, cũng có nghĩa là yếu tố văn hoá và lịch sử trong hệ thống chữ viết của một đất nước là rất quan trọng, chứ không chỉ đánh đổi lấy sự tiện dụng bằng mọi giá.
Phải nói rằng, bấy lâu nay có không ít những “hạt sạn” trong ngành giáo dục và chuyện cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là một trường hợp mới nhất. Nào là viết lại sách giáo khoa, sửa lại cách đánh vần, đổi nét chữ, thay đổi chương trình..v..v. Mà kết cục thì như nhau: Chẳng mang tới lợi ích nào cho cộng đồng, thay vào đó chỉ là sự bực mình.
Nói ra để chúng ta thấy rằng, ngôn ngữ và chữ viết của Tiếng Việt đã đi sâu vào tiềm thức của từng người dân Việt Nam, thể hiện ý chí độc lập của dân tộc. Là người dân Việt, ai ai cũng luôn tự hào về sự trong sáng và tường minh của Tiếng Việt.
Do đó, công trình cải tiến Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền không chỉ là bước thụt lùi ngôn ngữ, mà còn làm mất đi tinh hoa của Tiếng Việt! Đó là chưa bàn đến nguy cơ băng hoại cả một nền văn hóa nếu đề xuất được áp dụng.