Với mục tiêu tiếp tục cải tạo đàn bò lai Sind thành đàn bò lai Brahman đỏ cho năng suất, chất lượng và hiệu quả, chương trình đã tạo bước đột phá mới về con giống trong chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, chương trình "Phát triển nhanh đàn bò Brahman đỏ" được triển khai từ năm 2015 tại 6 huyện, thành phố gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên. Hiện nay, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực nhân giống bò Brahman đỏ và một số giống bò ngoại khác nhằm thay thế giống bò cũ, nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu trong chăn nuôi.
Ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên cho hay, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 11 tỷ đồng, sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay chương trình đào tạo được 26 dẫn tinh viên, cấp truyền 18.000 liều tinh, thụ tinh nhân tạo cho 14.000 con bò cái, số bê sinh sản được 9.000 con, đưa tỷ lệ đàn bò Brahaman đỏ lên 60% tổng đàn.
Thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo, giống bò Brahaman đỏ được lai giống với bò cái lai Sind sẵn có của nông dân, tạo ra các con lai thế hệ F1, là giống bò khỏe cho năng suất và chất lượng thịt khá tương đồng với giống thuần. Theo đánh giá của người chăn nuôi trong tỉnh, các con lai bò Brahman đỏ khi nuôi đến 24 tháng đều có trọng lượng thịt trên 2 tạ/con.
Theo ông Nguyễn Văn Mý ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) và nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, bò Brahman đỏ có nhiều ưu điểm vượt trội. Trong cùng một thời gian nuôi, bò thịt lớn nhanh, phàm ăn, sức đề kháng tốt, nên trọng lượng tăng hơn so với bò lai Sind khoảng 30%, chất lượng thịt thơm ngon. Với trọng lượng khi xuất bán đạt 2,5 tạ thịt, mỗi con bò Brahman đỏ cho lãi tăng hơn so với bò lai Sind trên 3 triệu đồng. Với bò sinh sản, mỗi con bê Brahman đỏ cũng cho giá trị hơn 20 triệu đồng, cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng so với bê lai Sind.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, chương trình phát triển nhanh đàn bò lai Brahman đỏ sẽ được triển khai đến hết năm 2022, phấn đấu 100% đàn bò của tỉnh cơ bản chuyển sang giống bò Brahman đỏ và các giống bò chất lượng cao khác. Để đạt hiệu quả thiết thực, tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan và các địa phương tập trung nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao chất lượng chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và xử lý nước thải, bảo vệ môi trường chăn nuôi an toàn.
Tỉnh cũng chú trọng chọn giống bò đạt chất lượng, bảo đảm đạt kết quả cao, chủ động đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi, tập trung đào tạo lực lượng dẫn tinh viên, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ nông dân. Phấn đấu đến năm 2018 chuyển đổi mô hình chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm sản xuất sạch, cung cấp ra thị trường sản phẩm bò thịt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập. Theo đó, tạo hướng đi tốt để phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững.