Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết "Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM".
Quyết định của Quốc hội “cởi trói” cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mang tên Bác phát huy được mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn là cơ hội lớn để TP.HCM tiến về phía trước, với một tốc độ phát triển nhanh, bền vững và mạnh mẽ hơn.
Những ngày này, các cấp chính quyền và nhân dân TP.HCM đang “gồng hết sức mình” để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8,7% trong năm 2017.
Hầu khắp các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đều phát động đợt thi đua nước rút. Tin vui về kết quả hoạt động sản xuất những tháng cuối năm ngày càng nở rộ thêm. Nhưng, với đông đảo cán bộ, đảng viên trong toàn thành phố, thì việc Quốc hội cho phép TP.HCM một cơ chế đặc thù, mới là niềm vui lớn được đón đợi từ lâu.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM từng là nơi đi đầu trong rất nhiều mô hình phát triển kinh tế- xã hội; từ việc xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, cho đến mô hình xã hội hóa, xây dựng các định chế thị trường, hình thức đầu tư BT…hàng năm, thành phố đóng góp 1/3 ngân sách cho đất nước.
Thế nhưng, đô thị lớn nhất nước này lại đang phát triển chưa xứng tầm, đứng trước nhiều thách thức lớn và thậm chí rất dễ bị tụt hậu. Bởi, sự bất cập về cơ chế kinh tế trong năng lực cạnh tranh, sự “nhộm nhoạm” trong phát triển hạ tầng đô thị và đặc biệt hơn là bộ máy chính quyền đô thị như một “chiếc áo quá chật” đang kìm hãm đà phát triển của Trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vậy, đây là cơ hội cho TP.HCM bứt phá để theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
“Thành phố phải cạnh tranh ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực, với Bangkok, với KualaLumpur, với Singapore…không phải so với Biên Hòa-Đồng Nai hay các tỉnh lân cận. Những thách thức đó đặt ra rất lớn và cũng là vấn đề rất quan trọng nếu nhìn ở khâu thể chế”, TS. Trần Du Lịch nêu rõ.
Ở một góc nhìn khác của các chuyên gia kinh tế, cơ chế đặc thù của TP.HCM là bước tiến vượt bậc trong việc xóa bỏ cơ chế xin-cho, từng nhiều năm nay đang cản trở sự đi lên của thành phố năng động nhất nước.
Không ít lần, người đứng đầu chính quyền thành phố tỏ ra bức xúc vì thủ tục hành chính rườm rà của một số Bộ, ngành Trung ương đã làm cho địa phương vuột mất nhiều dự án đầu tư lớn; trong đó có dự án đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Gần đây nhất là việc phân bổ vốn cho công trình Metro đang thi công, khi mà Chính phủ đã đồng ý chủ trương nhưng Bộ Kế hoạch- Đầu tư lại chậm trễ trong ghi vốn năm 2017, khiến dự án quan trọng này đình trệ.
Chính vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, Quốc hội trao cơ chế và quyền tự quyết 4 nhóm vấn đề không chỉ giúp thành phố xử lý được những vướng mắc trong nhiều năm qua mà còn là hành lang pháp lý cho thành phố tìm hướng đi mới cho đô thị đặc biệt.
“Khi được Quốc hội thông qua cơ chế, thành phố sẽ chủ động hơn trong quản lý, điều hành, đầu tư phát triển thành phố. Nhưng thách thức lớn nhất là đòi hỏi thành phố phải thực sự chủ động, sáng tạo, đưa ra những giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Đã được phân cấp phân quyền như vậy thì phải sáng tạo, chủ động, nếu không thì sẽ không phát huy được cái mà Trung ương đã trao trách nhiệm”, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình đề cập.
Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP.HCM, cơ chế đặc thù là cơ hội cho địa phương phát triển, nhưng cơ hội luôn đi cùng thách thức. Từ góc độ phát triển đô thị, TS. Võ Kim Cương cho rằng, cơ chế đặc thù đem lại nhiều thuận lợi, đặc biệt là về quy hoạch, sử dụng đất, tổ chức bộ máy, huy động tài chính và thành phố sẽ rộng tay hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội. Nhưng, nếu mục tiêu chiến lược không rõ ràng thì không chỉ không đưa ra được giải pháp đúng mà còn gây thêm những khó khăn, vướng mắc.
“Phải có sự tiếp cận từ chiến lược trở xuống, không thể nay nói đô thị thông minh, mai nói đô thị sống tốt để có đưa ra các giải pháp cụ thể nhưng không bài bản. Trước hết cần phải có chiến lược chung, từ đó sẽ thấy thành phố đang cần gì nhất, nếu cứ đi vào các tiêu chí trước sẽ không hiệu quả”, TS. Võ Kim Cương nhận định.
Nếu không có mục tiêu chiến lược rõ ràng TP HCM sẽ không đưa ra được giải pháp đúng mà còn gây thêm những khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cơ chế này đang tạo một động lực mới để TP.HCM cất cánh. Nhưng cũng ngay từ bây giờ phải xây dựng ngay một đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
“Một nhân tố quan trọng cần phải chuẩn bị sớm đó là lực lượng kế thừa. Nếu không có nguồn nhân lực để đáp ứng cơ chế này, các thế hệ đi trước sẽ không chuyển giao được ý tưởng của mình cho thế hệ sau. Do vậy phải luôn luôn có sự chuẩn bị trước về nguồn nhân lực để đáp ứng sự mới mẻ này”, ông Tài lưu ý.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù của TP HCM có 12 nội dung cần có quy định của HĐND thành phố. Do vậy, ngay kỳ họp diễn ra vào tháng 12 tới, HĐND thành phố sẽ ra nghị quyết để triển khai ngay những nội dung về cơ chế đặc thù cho TP HCM.
Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ có chương trình thực hiện trong 3 năm 2018-2020 và kế hoạch triển khai hàng năm. Như vậy, không phải xin cơ chế rồi để đó hay có sự “chùng chình”. Một thành phố năng động, luôn nói đi đôi với làm đang thực sự chuyển động để tiếp tục vươn mình, cất cánh