Ông không nhà cửa, không gia đình, không giấy tờ tùy thân, không biết mặt chữ, ngay cả số tuổi 56 cũng chỉ là ước chừng. Vậy mà không biết bao nhiêu tội phạm hoành hành trong khu vực Làng đại học đã phải “khuất phục” dưới tay ông. Ông tên Nguyễn Văn Minh, nhưng người ta vẫn quen gọi bằng những biệt danh là “Minh vô gia cư”, “Minh lang thang” hay “Minh cô đơn”.
’Mật phục’ như... trinh sát để tóm gọn kẻ xấu
Làng Đại học là nơi tập trung học tập và sinh hoạt của hàng trăm nghìn sinh viên. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn nhiều đoạn đường khá hoang sơ với cỏ cây um tùm hai bên. Dựa vào đó, bọn cướp giật, trộm cắp thừa cơ “hành nghề”, đặc biệt với những cặp tình nhân sinh viên thường chọn chỗ vắng để ngồi tâm sự.
Sống và làm nghề xe ôm trong khu vực này, nhưng cả bến đậu lẫn chỗ ở của ông Minh đều không cố định. Vậy nên hỏi cụ thể ông đang ở đâu thì không ai biết, nhưng nói về những “chiến tích” bắt cướp, giúp đỡ sinh viên thì ai cũng phải cúi đầu nể phục.
Khu vực làng Đại học có nhiều đoạn đường vắng, cỏ cây um tùm, dễ xảy ra trộm cướp
Dò la mãi, tôi mới hẹn gặp được ông. Xuất hiện trong bộ quần áo cũ kĩ, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp che đi mái tóc nhuốm gió sương, gương mặt đen sạm và tay chân đầy sẹo, lại chạy chiếc xe máy cà tàng lỉnh kỉnh những đồ… Trông thế, chẳng ai nghĩ ông lại là một “anh hùng”, là khắc tinh của kẻ xấu.
Cất giọng trầm đục, ông Minh bắt đầu kể về hành trình trừ gian của mình. “Lần đầu tiên là khi tôi đi nhặt ve chai thì phát hiện 2 tên cướp đang kề dao vào cổ đôi tình nhân trẻ ngồi với nhau trên đồi cỏ. Sẵn khúc tầm vông trong bao, tôi lao vào ngăn cản thì bị chúng chống trả. Hai đứa nhỏ không mất của, nhưng tôi thì bị chúng cắt một nhát đứt cọng gân”, ông vừa chỉ vào vết lõm trên cánh tay vừa nói.
Những lùm cây này từng là nơi “mật phục” của ông Minh
ông Nguyễn Văn Minh
Lần khác, khi đang chạy xe ôm, ông Minh thấy một đôi nam nữ khả nghi cứ lượn xe qua lại rất nhiều lần. Ông liền bám theo, phát hiện chúng chỉ giả tình nhân để không bị nghi ngờ và đang tìm các đôi tình nhân đang hẹn hò để cướp tài sản. Khi thấy “con mồi”, chúng tiến lại gần và thông báo cho 5 đồng bọn nữa ập đến. Tình thế cấp bách, 1 mình ông Minh lập tức lao ra và bị chúng chống trả quyết liệt. nạn nhân chạy thoát, còn ông lại bị nhiều vết đâm sâu vào tay.
Vậy mà sau đấy ông Minh không những không sợ, trái lại còn hăng say hơn trong việc trừng trị cướp giật. Kể trong khói thuốc, hành trình của ông trải dài với tổng cộng 5 lần tự tay bắt quả tang kẻ phạm tội. Có vụ ông phải nằm bờ nấp bụi suốt mấy đêm liền để theo dõi kẻ xấu, sau đó tự ra tay tóm gọn chúng.
Ấy là chưa kể đến vô số những lần ông phối hợp với lực lượng chức năng để bắt cướp, ngăn chặn bọn biếּn tháּi làm hại sinh viên. Trên đường, gặp sinh viên bị thủng lốp, ông còn vá xe miễn phí và hướng dẫn cho nhiều sinh viên muốn học.
Hai mươi năm sống ở làng Đại học là chừng ấy thời gian ông gắn bó với việc bảo vệ an toàn cho sinh viên khỏi kẻ xấu, góp phần vào việc giữ gìn trật tự cho khu vực.
Chiếc xe máy cà tàng lỉnh kỉnh đồ là phương tiện mưu sinh và theo dõi kẻ gian của ông
“Còn sức là còn trị kẻ xấu”
Tâm sự cứ được trải dần ra, nhưng tôi lại thấy cuộc đời ông Minh mơ hồ như làn khói thuốc trên tay ông. Thất lạc cha mẹ trong chiến tranh lúc còn rất nhỏ, ông được một người phụ nữ thương tình mang về nuôi. Lên 9 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống lang thang vì cứ bị con trai mẹ nuôi đánh đuổi.
Rày đây mai đó, từ vùng Bắc Mỹ Thuận miền Tây sông nước, ông lang thang đến Q.9 (TP. HCM) và giờ là làng Đại học. “Tôi lượm ve chai, đêm bạ đâu ngủ đấy. Ai mướn gì làm nấy, miễn không phạm pháp, không trái lương tâm mình”, ông Minh bộc bạch.
Khung mái che người ta vừa tặng ông Minh. Trước đó “căn nhà” của ông chỉ là miếng bạt căng dưới gốc cây
Vốn tính nghĩa hiệp, thấy việc ác việc xấu là ông quyết ra tay ngăn chặn. Mười mấy năm sống ở một vườn chuối khu trường bắn Long Bình (Q.9), ông nhiều lần cung cấp thông tin các đối tượng hút chích, trộm cắp ở đây cho công an truy bắt.
Lang bạt đến làng Đại học, ông vẫn sống cảnh màn trời chiếu đất, tắm giặt ở hồ Đá, mắc võng ngủ dưới gốc cây. Vừa chạy xe ôm, nhặt ve chai kiếm sống, ông vừa làm cả công việc lặng thầm của mình là theo dõi các đối tượng khả nghi, nhắc nhở sinh viên không lơ là tài sản. Thậm chí , ông còn từng tình nguyện vớt xác những sinh viên xấu số dưới hồ Đá mà chẳng sợ sệt gì.
Tấm bằng khen được ông treo lên cẩn thận
“Chỉ có cái tâm, cái can đảm của mình, chứ không có võ thuật hay vì tiền bạc gì hết”, ông Minh quả quyết khi thấy tôi lắc đầu ái ngại sự nguy hiểm của công việc ông làm. Nghe tôi bảo sợ bọn xấu sẽ trả thù, ông càng tỉnh rụi: “Có chứ, nhập viện 2 lần rồi. Trong đó 1 lần mười mấy tên đánh tôi gục tại chỗ. Sợ gì! Tôi chẳng có gì, chỉ có cái mạng. Cái mạng tôi thì rẻ lắm, cái mạng sinh viên mới đáng quý. Lỡ có gì không chỉ khổ chúng mà còn khổ cha, khổ mẹ nữa”.
Như nhớ ra điều gì, ông lại xe lấy ra mấy tấm bằng khen và bài viết về ông đưa tôi xem. “Tôi làm gì cũng từ cái tâm tự nguyện, không có mong đền đáp gì hết. Được người dân, mấy đứa sinh viên quý, gặp tôi hỏi han là vui rồi. Còn mấy cái này là kỉ niệm, có hình nên lâu lâu lấy ra nhìn cho vui, chứ cũng biết chữ nào đâu mà đọc”, ông Minh cười khà khà bảo.
Nụ cười ông vẫn đầy nét ung dung tự tại trên gương mặt chai sạm vì nắng gió. Tôi hỏi về cuộc sống sau này, ông trầm ngâm rồi vẫn bông đùa: “Người ta gọi tôi “Minh cô đơn” mà. Thì cứ cô đơn vậy thôi! Nhưng hễ tôi còn sống, còn sức là còn trị lũ xấu xa ngoài kia”.
Trong hai năm 2013 - 2014, nhờ dũng cảm tham gia bắt cướp giật, ông Minh đã được Công an thị xã Dĩ An và Công an tỉnh Bình Dương tặng giấy khen. Năm 2016, ông Minh được tặng giấy khen của Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị đại học (Đại học Quốc gia TP.HCM) về thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở khu đô thị đại học.
Cuộc sống đơn độc của ông giữa những lùm cây cỏ hoang vu
Ông Minh nâng niu những bằng khen, bài viết về mình