Những ai hay theo dõi game show, nếu tinh ý sẽ nhận ra: không chỉ giám khảo mà rất nhiều thí sinh của các game show hiện nay bị "quen mặt". Họ tham gia game show này rồi lại có mặt ở game show khác.
Trong một bài báo cách đây chưa lâu, nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi khẳng định rằng có một lực lượng diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên làm nghề đi thi gameshow thuê.
Dưới đây là tâm sự của một diễn viên làm nghề này. Theo chia sẻ của anh, làm diễn viên/ nghệ sĩ mà không nổi tiếng thì cuộc sống vất vả vô cùng. Dù biết gameshow có rất nhiều "mặt trái" nhưng bất đắc dĩ vì miếng cơm manh áo anh vẫn phải "gắn bó" với nó.
Công ty sản xuất khó dễ cả 300.000 đồng cát sê
Tôi được một nghệ sĩ tên tuổi giới thiệu tham gia game show nhưng cũng đi casting như mọi người trước khi ký hợp đồng chính thức. Về bề mặt chương trình, có diễn viên chuyên nghiệp tham gia thì chất lượng gameshow sẽ được tăng lên, khán giả dễ coi hơn, lượng người xem cao hơn.
Lẽ ra, họ phải biết trân quý điều đó nhưng càng vào sâu các vòng sau, tôi bị đánh đồng với các thí sinh tự do, nghiệp dư khác. Tôi có chút không vui nhưng cũng chấp nhận cho qua.
Trần Xuân Tiến là một cái tên hot hút nhiều game show vì anh có lượng người theo dõi đông đảo, một "công cụ" mang về raiting cao cho nhà sản xuất. (Ảnh minh hoạ)
Nhưng điều đáng nói là thí sinh bị bóc lột sức lao động. Không chỉ tôi mà rất nhiều thí sinh khác đều bị như vậy.
Thí sinh là những người quan trọng để làm ra game show, đem lại raiting, đem tiền về cho công ty nhưng nhà sản xuất lại so đo, tính toán từng ly từng tý với thí sinh và tất nhiên là tính có lợi cho họ.
Chúng tôi vắt óc nghĩ ra tiểu phẩm, bỏ nhiều công sức của mình để tập luyện ngày này qua ngày khác. Công ty sản xuất có khoản hỗ trợ tập luyện nhưng rất bèo bọt, chúng tôi phải mang tiền nhà đi mới có tiền ăn uống lúc tập.
Vậy vợ chồng/con cái thí sinh ở nhà ăn gì để sống trong suốt thời gian chúng tôi tham gia gameshow?
Nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra mời ban giám khảo, mướn phim trường, âm thanh ánh sáng sân khấu là xong. Còn thí sinh chỉ là "quân cờ" để nhà sản xuất xài cho đã rồi tới lúc không cần nữa thì hất ra khỏi chương trình.
Nhưng khổ nhất là những bạn thí sinh phụ diễn. Nhiều bạn ở tỉnh xa, mỗi lần lên thành phố tập lại phải ăn nhờ ở đậu chỗ bạn bè người quen. Mà thời gian tập và quay cả tuần lễ.
Mỗi một tiểu phẩm phụ diễn, công ty trả họ 300.000 đồng cát sê mà cũng phải đợi 1 tháng sau khi chương trình phát sóng mới được nhận.
Và khi trả, công ty cũng khó dễ thí sinh. Ví dụ, ngày 15 công ty thanh toán tiền cát sê, nếu bạn nào có việc bận không tới nhận được, ngày khác tới, họ bảo "hôm nay không phải ngày trả cát sê". Với những bạn ở tỉnh, 300.000 đồng mà bắt họ đi lên đi xuống vài lần mới nhận được.
Đó là nỗi niềm của nhiều thí sinh phụ diễn.
Ban giám khảo cũng được xem là một "quân cờ" cho nhà sản xuất. Họ cũng phải diễn bằng cách lựa câu từ nói cho hay để làm vừa lòng công ty đã mời họ... (Ảnh minh hoạ)
Chúng tôi không rảnh để đi làm không công...
Tôi biết có thí sinh từng phải nói khéo vì cơm áo gạo tiền nên không tham gia tiếp một gameshow hài. Thực tế, người ta đâu rảnh để đi làm không công cho mấy công ty sản xuất như thế.
Tất nhiên, không phải công ty làm gameshow nào cũng vậy. Có công ty cũng nghĩ chút ít cho quyền lợi của thí sinh nhưng không nhiều.
Thời buổi này, mở ti vi lên là thấy gameshow. Gameshow chiếm vị trí độc tôn trong làng giải trí... thế nên dù muốn hay không chúng tôi vẫn bị nó cuốn đi.
Điều hay điều dở của game show chúng tôi đều nhìn thấy cả. Dù biết mình chỉ là quân cờ của nhà sản xuất nhưng vì chén cơm manh áo, bất đắc dĩ chúng tôi phải làm "nghề đi thi thuê" này...
Những thí sinh như chúng tôi chỉ mong các công ty sản xuất game show làm gì thì làm cũng đừng bóc lột thí sinh quá đáng và nghĩ tới chất lượng chương trình.
Họ làm hay thì nhiều người xem, raiting cao họ có nhiều tiền. Và quan trọng là thế hệ trẻ có những thứ thực sự bổ ích để xem chứ không phải vô bổ như nhiều người đang nói.