Lâu nay, mỗi khi muốn đi du lịch Trung Quốc thì hầu như mọi người Việt cũng như dân nước ngoài đều đi theo tour do các công ty du lịch giới thiệu vì những lợi ích mà ai cũng biết. Đó là được công ty lo cho mọi thứ với chi phí khá rẻ và càng rẻ hơn nếu đi các tuyến dọc theo bờ biển phía đông, tức những thành phố phát triển nhất của Trung Quốc như Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu, Quảng Châu.
Đấy là vùng có tần suất bay cao nhất nước nên thường có các chuyến bay khuyến mại vào buổi tối hay đêm. Làn sóng du khách đi theo tour chắc chắn sẽ ngày càng lớn hớn, vì xã hội Việt Nam càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, chẳng còn mấy ai có đủ thời gian và cả̃m hứng để tự mình ngao du thiên hạ nữa.
Vả lại, do đã sống lâu trong một xã hội ngày càng hợp lý hóa mọi vấn đề, chuyện nổi hứng vác ba-lô đi giang hồ để rước khổ vào thân tự nhiên trở thành chuyện “bất hợp lý”.
Dù chọn tour nào thì hầu như chắc chắn bạn cũng sẽ được công ty du lịch đưa đến những địa điểm du lịch rất nổi tiếng về văn hóa lịch sử như mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Cố Cung, Trường Thành, Di Hòa Viên ở Bắc Kinh hoặc những thắng cảnh đẹp mê hồn như sông Ly ở Quế Lâm, Cửu Trại Câu ở Tứ Xuyên.
Thế nhưng sau khi đến Trung Quốc và được công ty nhà bàn giao cho công ty du lịch đối tác thì du khách mới nhận ra rằng du lịch cũng như các phi vụ làm ăn đều có mặt trái của nó. Do biết rõ giá trị thu hút du khách trong và ngoài nước của các điểm du lịch nổi tiếng trên nên tất cả những đầu mối có liên quan đến chúng đều tận dụng triệt để nhằm kiếm lợi tối đa trong khả năng có thể.
Ông trời luôn ưu tiên cho người Trung Hoa về khoản này. Trung Quốc đã mở cửa hơn ba mươi năm nên tài trí của các tay cá mập trong ngành du lịch của họ ngày càng thâm sâu, các chiêu thức móc tiền du khách nội ngoại biến hóa khôn lường, khiến cho Kim Dung cũng đành phải bó tay chịu thua. Dân du lịch Việt Nam càng thua hơn.
Mỗi khi lên xe từ khách sạn đến các điểm du lịch hoặc từ đó trở về khách sạn thì dù muốn hay không, du khách hay còn gọi là thượng đế cũng phải theo chân hướng dẫn viên ghé thêm các điểm bày bán đủ loại “đặc sản” của đất nước trung tâm thế giới này. Thôi thì ngọc thạch, trà siêu hạng, hàng thủ công mỹ nghệ độc nhất vô nhị , thần dược các loại do các tay cá mập du lịch bao thầu...
Sau một hồi nghe các cô nàng thuyết minh viên xinh như mộng líu lo tán tụng những phẩm chất siêu việt có một không hai của “ đặc sản”, không ít con nhạn la đà đã mạnh dạn móc hầu bao để mua cho được một vài món trong dịp may hiếm có này.
Đặc biệt là các quý ông càng tự tin hơn khi bỏ ra khối tiền để tậu nhiều thang thần dược bổ dương từ chính tay các cô nàng đẹp như tiên. Các cô luôn kèm theo những nụ cười tình tứ đầy ẩn ý khích lệ.
Các quý bà quý cô thì lại khác, chẳng cần đến mỹ nữ giai nhân nào đưa đẩy, chỉ nhần thấy những viên gọi là ngọc thạch hiện hình dưới đủ mọi mẫu mã cực kỳ phong phú là đã bị hút hồn rồi. Thêm nữa, lại được nghe nói đây là hàng khuyến mại của công ty nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc thì càng mê mẩn nên chuyện móc vài trăm đô để mua chỉ là chuyện nhỏ.
Có một lần cách đây hơn chục năm, tôi được chứng kiến một màn "Sơn Đông mãi võ" tại một viện y học ở Quế Lâm. Trước hàng chục du khách từ phương bắc xuống thưởng ngoạn sông Ly, anh chàng bác sĩ, khoác áo trắng, chân mang dép lê, một tay cầm đầu dây điện , tay kia cầm bóng đèn cháy sáng rực. Miệng chàng thao thao bất tuyệt về sự thần hiệu của thần dược Quế Lâm siêu đến mức điện cũng không giật nổi.
Bỗng trong đám khán giả có một người ngứa miệng hỏi ông bác sĩ có thể bỏ dép ra hay không. Mặt hơi biến sắc, chàng "mãi võ" liền tỏ vẻ ngu ngơ như không hiểu gì rồi tỉnh queo tiếp tục chương trình. Lúc đó tôi nghĩ nếu đưa các bác thợ điện Việt Nam sang đó hành nghề chắc là kiếm bộn tiền.
Nhiều du khách không biết rằng chỉ cần ra khỏi những nơi được dẫn đến mua đặc sản, bước chân ra các chợ trời trên phố hay dưới các đường hầm là mua được cũng thứ hàng y như thế với giả rẻ hơn nhiều.
Đi tour thì không nên chọn mùa hè nếu bạn không muốn chịu cảnh ồn ào nóng bức đến mức chẳng còn hơi mà thưởng thức cho đúng giá trị của danh lam thắng cảnh. Nếu đi mùa đông, sẽ thú vị hơn nhiều. Mùa lạnh lượng du khách và các hoạt động du lịch giảm hẳn, bạn không chỉ né được cái nóng và đám cò mồi, mà còn thưởng ngoạn cảnh đẹp nhuốm đậm màu đông đẹp đẽ lạ thường.
Bất cứ người Việt Nam nào nếu biết cách mặc cho đủ ấm đều có thể chịu cái lạnh âm 5-10 độ C. Tôi từng có người bạn ở Sài Gòn chỉ sau khi mổ xương sống ba tuần đã theo tôi đến Mãn Châu, và chịu cái lạnh âm 20 độ C không thấy xi-nhê gì....
Hơn mười năm trước, sau khi đưa một số dân du lịch Sài Gòn đến những nơi nổi tiếng vừa kể trên, cảm thấy chán ngán quá những chuyện tầm phào của thế giới kinh doanh du lịch, tôi bắt đầu chuyển niềm yêu thích tìm hiểu Trung Hoa sang hướng khác. Tôi tìm đến những nơi ít nổi tiếng hoặc chẳng ai biết đến nằm ở các tỉnh xa như Tây Tạng, Cam Túc, cao nguyên Thanh Hải, Nội Mông, những vùng xa xôi và không thuận lợi cho các chuyến bay.
Sau một thời gian rong ruổi, tôi nhận ra rằng, còn rất nhiều vùng đất màu mỡ cho những người thích du lịch và ham mê tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa. Những nơi đó còn lưu những giá trị sống động hơn nhiều so với các điểm du lịch nổi tiếng trong các tour. Đó là những đền miếu tuy bé nhỏ nhưng vẫn đậm hồn thần thánh chứ không nhuộm màu tiền bạc, là những làng mạc còn khoác trên mình nền văn hóa cổ xưa với những thôn dân chân chất, chứ không hề láu cá như dân thành thị. Và dĩ nhiên, thiên nhiên ở những nơi này vẫn còn hoang sơ vì làn sóng “ phát triển” còn lâu mới tràn đến.
Vào mùa đông, khi tuyết phủ trắng xóa mọi nhà cửa, núi đồi, ruộng vườn thì vạn vật như được trả về nguyên trạng của hàng trăm năm trước, khiến bạn cảm thấy như mình đang trôi vào thế giới khác, thế giới của thần linh ngự trị và cái lạnh buốt xương cùng với nỗi cô đơn của kẻ xa xứ như chất xúc tác mạnh giúp tôi được trở về với cái tôi thuần chất mà lâu nay đã bỏ quên chốn đời thường.
Trong lần đến sa mạc Gobi thuộc Nội Mông, tôi đã tìm thấy một đoạn dài trường thành bằng đất đã sống sót qua lịch sử dài hàng ngàn năm đang nằm trơ trọi giữa sa mạc hoang vu, hiu quạnh chẳng một bóng người.
Quanh quẩn hồi lâu bên bức trường thành hoang phế, tôi cảm nhận những hồn xưa như vẫn còn sống mãi với chứng tích của một thời. Còn nữa, những ngôi làng cổ xưa nằm sâu trong hoang mạc hoặc ẩn mình trên những ngọn núi cao vẫn còn đang cất giữ rất nhiều những bí ẩn đang chờ chúng ta một ngày nào đó được số phận đưa đến để khám phá.