Từ cô bé hát dạo đến giọng ca hàng đầu
Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai - Sinh 1935 tại Lộc Giang- Đức Hoá - Long An. Cha mất sớm, mẹ đi làm mướn để nuôi cô bé Hai. Hai mẹ con thuê trọ ở khu Chợ Lớn, và trong khu trọ có một cậu bé hơn bé Hai 4 tuổi bị mù nhưng biết chơi vỹ cầm tên là Đinh Văn Dậm. Cùng chung cảnh ngộ nên Dậm rất quý bé Hai. Một lần thấy cô bé ca cổ khá ngọt, Dậm đã thử đàn cho cô bé hát. Thấy nhiều người khen bé hát hay, Dậm rủ cô bé đi hát dạo để hy vọng sẽ có chút tiền đỡ đần cho mẹ cô. Thế là cô bé 11 tuổi và cậu bé mù 15 tuổi cùng cây đàn cũ đã lang thang trên khắp đường phố Sài Gòn, hát và xin tiền người qua đường. Sau này nhớ lại cảnh cực khổ đi hát dạo ngày xưa, Út Bạch Lan có lần bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ những ngày đi hát dạo, cực khổ lắm nhưng chính sự cơ cực đó đã giúp tôi có thêm sức lực để có thể đứng vững trước mọi khó khăn. Ngay cả anh Dậm cũng thế, đi hát dạo đã khiến ngón đờn của anh ấy ngày càng dẻo, càng ngọt. Chúng tôi trưởng thành nhờ ở trường đời”.
Sau này, Đinh Văn Dậm đã trở thành một trong những công cổ nhạc hàng đầu tại Việt Nam và lấy nghệ danh là Văn Vỹ. Còn cô bé Hai, nhờ giọng ca ngọt lịm làm mê hoặc lòng người nên tiếng đồn đã lan rộng đến tai cô Năm Cần Thơ. Ngày đó cô Năm Cần Thơ đang là một trong những giọng hàng đầu của sân khấu cổ nhạc và bản tính hào phóng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên nghe bé Hai ca, cô Năm đã quyết đưa cô bé đến với ánh đèn sân khấu. Cô Năm mời bé Hai vô thu âm bản ca cổ có tên là Trọng Thuỷ - Mỵ Châu tại đài phát thanh Pháp Á. Bản thu phát trên sóng đã được khán giả khen ngợi nhiều và đài Pháp Á đã quyết định ký hợp đồng thu âm với bé Hai. Nghe cái tên Đặng Thị Hai khá quê mùa, mọi người đã đề nghị bé Hai tìm một nghệ danh nào đó cho đúng chất nghệ sỹ. Bé Hai chọn tên Bạch Lan, nhưng vì bên đài Quốc gia đã có cô Bạch Lan cũng nổi tiếng nên cuối cùng, bé Hai thêm chữ Út để thành tên Út Bạch Lan. Đó là vào đầu những năm 50 thế kỷ trước.
Út Bạch Lan thời trẻ
Út Bạch Lan đã trở thành hiện tượng của sân khấu cải lương ngày đó bởi ngay từ vở diễn đầu tiên “Đồ Bàn di hận” của soạn giả Lê Khanh trên sân khấu Thanh Minh, Út Bạch Lan đã được khán giả và báo giới khen ngợi. Có giọng ca Kim pha chút Thổ nhưng lối ca như là hơi bị đuối, ngắt hơi nhiều khi nhả chữ khiến cách hát của Út Bạch Lan như luôn mang tâm trạng buồn, nghẹn ngào đến u uất. Dường như quãng đời cơ cực thời ấu thơ đã ăn vào với giọng ca và khiến giọng ca của Út Bạch Lan rất hợp với những bài ca buồn, hợp với những vai diễn đầy thân phận. Út Bạch Lan cũng thừa nhận mình có may mắn là khi bước chân vào với ánh đèn sân khấu, bà đã có một người thầy tuyệt vời: Đó là NSND Viễn Châu - Ông Vua vọng cổ phương Nam. Út Bạch Lan từng tâm sự về người thầy: “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của ba Năm (NSND Viễn Châu), ông luôn dặn dò làm nghệ sĩ phải biết hóa thân thành nhiều nhân vật, điêu luyện và thuần thục nhiều động tác. Giọng ca là điều quan trọng nhất nhưng phải biết kết hợp tất cả với nhau để thể hiện tốt nhất trên sân khấu, cả ca và diễn để không phụ lòng yêu mến của khán giả đã đến rạp xem nghệ sĩ hát và lời dạy ấy luôn theo tôi đến tận bây giờ”.
Nhờ có người thầy giỏi cùng những bạn diễn có tiếng ngày bây giờ mà tên tuổi Út Bạch Lan ngày càng nổi bật trên sân khấu cải lương tại Sài Gòn. Viễn Châu đã từng nói về Út Bạch Lan rằng cô bé luôn tìm tòi cách sáng tạo cho nhân vật cũng như khổ luyện để hoá thân vào nhân vật một cách hoàn hảo nhất. Vì thế, hàng chục vở diễn như Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Thiên Thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt… đã để lại dấu ấn đậm nét về một Út Bạch Lan trong lòng khán giả. Năm 1958, NS Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chưởng và cùng với NSND Út Trà Ôn đã mở đường đưa vọng cổ 32 nhịp vào với sân khấu cải lương. Thêm bài ca cổHoa lan trắng do chính Viễn Châu viết riêng cho Út Bạch Lan đã làm mưa làm gió trên sóng phát thanh, đưa Út Bạch Lan trở thành giọng ca nữ hàng đầu của cải lương Sài Gòn. Cách hát của Út Bạch Lan trở thành một “trường phái” mà sau này nhiều nữ nghệ sỹ khác như Thanh Nga, Phượng Liên, Hương Lan, Thanh Ngân… học theo. Hàng loạt mỹ danh do người hâm mộ và báo giới trao tặng cho Út Bạch Lan như: Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng sầu muộn, Hoa lan trắng, Sầu nữ… Nhưng theo Út Bạch Lan kể thì bà thích nhất là mỹ danh “Sầu nữ”. Bà từng tâm sự : “Ký giả kịch trường nổi tiếng ngày đó là Trần Tân Quốc đã bình luận về tôi rằng: Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình. Đó chính là Sầu nữ Út Bạch Lan. Tôi thích từ này vì nó hợp với cuộc đời tôi đã trải qua. Rồi sau đó nhiều người cũng gọi tôi là Sầu nữ cho đến tận bây giờ”.
Xem Video: SỐC: Sầu Nữ Út Bạch Lan qua đời
//
Phận đời…”Sầu nữ”
Nghiệp hát của Út Bạch Lan suôn sẻ bao nhiêu thì nghiệp đời bà lại truân chuyên bấy nhiêu. Cuộc đời bà chỉ yêu có 1 người và người đó cũng là một nghệ sỹ nổi tiếng. Cưới nhau chẳng bao lâu, chồng đã theo người đàn bà khác. Khi chồng có bồ, có con riêng bà âm thầm chịu đựng. Khi chồng bỏ bồ đi với người khác, bồ của chồng đem bỏ con cho bà, bà lại nhận nuôi. Không chỉ 1 lần mà đến 3 lần, Út Bạch Lan đã nhận nuôi con của chồng với người khác. Không phải vì tình nghĩa với chồng mà theo bà: “Chỉ thương mấy đứa trẻ còn quá nhỏ, mình không nuôi thì ai nuôi bây giờ”. Út Bạch Lan kể mỗi lần nhận nuôi một đứa trẻ con chồng, bà đều khóc rất nhiều. Khóc vì sự phụ bạc, khóc vì thân phận của chính mình và thương cho đứa trẻ không may sinh bởi những người vô trách nhiệm. Nhưng bà còn khóc nhiều hơn khi một đứa trẻ được mẹ chúng đến xin nhận lại. Và bà đã bỏ cả cuộc đời để nuôi mấy đứa trẻ con chồng thành người mà không một lời oán thán, không níu kéo chồng về với mình. Sau này, chính tay bà dựng vợ gả chồng cho chúng, lấy niềm vui thành đạt của chúng để làm niềm vui cho chính mình.
Út Bạch Lan
Có một chuyện mà nhiều người vẫn nhớ về nhân cách của Út Bạch Lan. Đó là khi bà được mời đi hát bên Mỹ. Đến hát tại một nhà hàng người Việt ở TP San Jose (Califolia), bà mới biết chủ nhà hàng chính là người chồng cũ đã từng phụ bạc, ruồng rẫy bà. Nhưng bà vẫn bình thản nhận lời cùng chồng cũ diễn lại những trích đoạn của những vở cải lương đã từng ăn khách trước đây. Có người hỏi vì sao không oán trách thì bà trả lời: “Tôi hát cho khán giả, hát cho cải lương vì khán giả đã mua vé để nuôi tôi đến ngày hôm nay. Còn chuyện tình cũ, nếu trong lòng cứ ôm hận, trách oán hay coi nhau như kẻ thù thì chính tôi cũng không hát được, chưa nói gì đến chuyện đứng chung trên sân khấu sau mấy chục năm như thế…” Lòng vị tha, sự nhân hậu cao cả của Út Bạch Lan đã khiến khán giả hôm đó nghẹn ngào xúc động.
Những năm cuối đời, Út Bạch Lan lấy công việc từ thiện làm vui. Cùng với nhóm nghệ sỹ cùng thời, Út Bạch Lan đi hát quyên tiền, gây quỹ để giúp đỡ những nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Út Bạch Lan còn nhận đứng lớp, truyền kinh nghiệm bao năm của sân khấu cải lương cho lớp trẻ. Nhưng kinh nghiệm nhiều nhất mà bà hay dạy những học trò không phải ở nghề diễn mà là nhân cách sống. Diễn viên cải lương Thuý Hằng từng kể: “Trong lớp học, cô hay kể về thân phận những người còn nghèo khó và nói rằng người nghệ sỹ sống được là nhờ có khán giả. Mình phải hết lòng vì khán giả thì khán giả với nhớ tới mình”. Những ngày cuối đời, dù mang trong mình nhiều trọng bệnh nhưng Út Bạch Lan vẫn cố đi hát, vẫn cố đi quyên tiền. Nhiều nghệ sỹ lớn tuổi trong chùa Nghệ sỹ vẫn nhớ một bà già tuy phải ngồi xe lăn nhưng vẫn thường xuyên tới thăm chùa, vẫn hay hát cùng mọi người. Vở diễn mới nhất mà bà đang tập để tham gia gây quỹ học bổng cho học trò nghèo là Mẹ ngồi sàng gạo. Lẽ ra vở diễn sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 27/10 nhưng trước đó vài hôm, bà trở bệnh nên phải tạm dừng. Tới cuối đời, bà vẫn hết lòng vì khán giả.
NSƯT Út Bạch Lan ra đi vào lúc 22h55 tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM), hưởng thọ 82 tuổi sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư gan. Linh cữu quàn tại chùa Ấn Quang (234 Sư Vạn Hạnh- Quận 10- TPHCM) Lễ viếng từ 13 giờ ngày 5/11. Lễ động quan 7 giờ ngày 8/11. Sau đó hoả táng tại Bình Hưng Hoà (Tân Phú).
Với những nghệ sỹ thế hệ sau, Út Bạch Lan luôn được mọi người gọi với cái tên thân thương “Má Út”. Nhiều nghệ sỹ nhờ công sức rèn dạy của “Má Út” mà có được ngày hôm nay như Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương, Hữu Quốc.