Đến làng Tựu Liệt, khi hỏi về nước sinh hoạt thì hầu hết đều nhận được câu trả lời ngán ngẩm: “Bẩn lắm, nếu không lọc thì không dám ăn!”. Tiếng là được dùng nước sạch, nhưng thực tế gia đình nào cũng phải tự đầu tư thêm máy lọc nước riêng.
“Cứ thế này thì chắc... sớm chết vì ung thư!”
Chứng minh với PV , ông Nguyễn Văn Xuân (ngõ 221 Tựu Liệt) bưng chậu nước mới xả ra từ vòi nước chưa qua bình lọc:“Đây, đây là chưa qua lọc, nhiều cặn thế đấy. Đi nhà nào cũng đều thế cả, chúng tôi ai cũng kêu chán nước này lắm rồi, đến phát ngán!”.
Bình chứa nhơn nhớt, chậu nước lắng đầy cặn mới được xả ra từ vòi tại nhà ông Xuân.
Theo vợ chồng ông Xuân, nước lấy trực tiếp từ vòi thì rất bẩn, nhiều cặn.“Bây giờ là vẫn đang còn trong, khi hè đến thì còn bẩn hơn nữa. Nhiều lúc vàng khè luôn, lúc thì đen, lúc thì trong, nước sạch không đều và chúng tôi phải để xả một lúc sau mới dám dùng. Hôm nọ đường ống dẫn của bình nước nhà tôi bị tắc, xả ra thì toàn bùn vàng ươm và đen…”, ông nói.
Vì nước nhiều cặn bẩn nên người dân phải mua máy để lọc nước ăn uống, còn tắm rửa vẫn phải sử dụng trực tiếp vì… “không thể nào lọc kịp được. Có nhà lọc tổng rồi lại phải bỏ ra vì thay mãi thì tốn quá nhiều tiền!”.
Khoảng 1 tuần, nửa tháng thì ông Xuân lại phải thay lõi máy lọc vì quá bẩn.
“Có người đã mang nước ở nhà đi nhờ kiểm định rồi, kết quả là nước không đủ tiêu chuẩn vì quá nhiều canxi và sắt. Trước kia nhà tôi còn đun nước chưa qua lọc để ăn thì ấm bị vôi cắn hàng xen-ti-mét, bỏ đi đến mấy cái ấm…, sợ quá nên mua bình lọc mới sạch hơn chút” – vợ ông Xuân cho hay.
Chiếc nồi đun nước đã không thể nào cọ sạch được cặn bám.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở đối diện cũng bức xúc vì chất lượng nước kém đến nỗi… bình nóng lạnh còn không nóng nổi. “Bình thường 15 phút thì nóng nhưng mãi gần tiếng vẫn không nóng được vì bẩn quá. Cục nóng bị bám mấy xen-ti cặn nên tôi toàn phải tháo ra rửa. Trước đây nhà tôi dùng vòi hoa sen lỗ nhỏ thì thường xuyên tắc, ngày nào cũng phải tháo ra thì mới dùng được. Bực quá nên chuyển sang mua cái vòi sen to về dùng thì mới đỡ…”.
Một người phụ nữ khác ở ngõ 201 nói: “Nước bẩn lắm! Chậu nước để qua đêm thì đến sáng hôm sau thì lắng lại nhiều cặn, toàn nhờn. Lắm lúc đang rửa rau thì cứ “xoàng xoạּc” toàn cặn chảy ra. Tiền không có, có sao thì dùng vậy. Cứ thế này thì không chết vì già cũng sớm chết vì ung thư mất thôi! Nhà tôi năm nào cũng thay bể ngầm, mỗi lần như thế thì bùn lại dày đến mắt cá chân”.
“Không biết đến bao giờ mới được nước sông Đà?”
Được biết, nguồn nước mà người dân Tựu Liệt đang dùng là nước khoan, đơn vị chịu trách nhiệm là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng. Doanh nghiệp này tự xây dựng và được quyền khai thác theo hợp đồng là 30 năm để thu hồi vốn (đến nay là 10 năm hoạt động).
Trạm cấp nước sạch ở ngay đầu thôn Tựu Liệt.
Làng Tựu Liệt hiện nay có hơn 700 hộ dân. Nhiều người dân cho biết: Giá nước hiện tại là 5000đ/m3. Ông Nguyễn Văn Đảng – Trưởng thông Tựu Hiệp nói với PV: “Cả làng 720 hộ đều thế hết. Chỉ có một số hộ ở gần trạm nước thì mới sạch thôi”. Theo ông Đảng, nước bẩn có thể là do 3 nguyên nhân: Độ sâu khoan thấp, quy trình lọc thô sơ, đường ống kẽm dẫn nước sử dụng đã lâu nên dẫn đến nhiều cặn lắng.
“Ngày xưa khi họ khoan giếng, tôi chỉ thấy cát là hết chứ không thấy lớp đá. Nhiều nhất cũng chỉ 100m thôi. Trước đây có 1 bể lọc nhưng cách đây 4 tháng thì họ đã xây thêm 1 bể lọc nữa (do dân phàn nàn nhiều quá) thì nước có trong hơn. Còn đường ống kẽm đã có từ trước khi xây trạm nước (của xã xây dựng từ trước) và họ cũng dùng luôn. Đầu nguồn còn đỡ chứ các nhà nhà tôi thì đều bẩn…”.
Máy lọc nước thường xuyên được mua về dùng, hỏng thì... vứt xó rồi lại phải mua cái khác.
Với ý kiến nước bẩn do đường ống kẽm đã sử dụng lâu, nhiều người dân bức xúc: “Họ là doanh nghiệp bán nước thì lẽ ra phải đầu tư thay đường ống cho dân chứ! Nhưng họ cứ bảo “chưa hồi vốn”. Còn theo ông Đảng thì việc thay đường ống là rất khó vì vừa tốn kém, vừa rất mất nhiều công sức để đào mọi thứ lên thì mới thay được ống mới.
Vì quá ngán và sợ nguồn nước bẩn này nên từ lâu, người dân ở đây đã đề nghị được đổi sang dùng nước sông Đà. Thế nhưng đó chỉ là khao khát và đến giờ họ vẫn chưa biết “khi nào nước sông Đà mới về đến đây?”.
Lý do là, thứ nhất, hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng vẫn chưa hết thời hạn (còn 20 năm nữa). Thứ hai, “chúng tôi thường xuyên đề cập lên chính quyền cấp trên rồi, đề nghị lên chính quyền huyện thì họ cứ khất mãi, năm này qua năm khác và bây giờ thì họ có…hứa là đến 2020 sẽ thay cho dân. Nhưng chỉ sợ rằng đến lúc đấy chúng tôi vẫn không có nước sông Đà mà dùng” – ông Đảng nói.
Ngoài thôn Tựu Liệt thì doanh nghiệp này còn cung cấp nước cho một số đơn vị khác là bệnh viện K, bệnh viện Thăng Long (bằng đường ống khác).
Xem Video: Nước sinh hoạt khu đô thị quá bẩn
//
Trưởng thôn này cũng nói thêm: “Một số hộ ở đầu nguồn trạm thì mới có nước sạch. Hằng tháng, Trung tâm Y tế dự phòng huyện vẫn đến trạm để lấy mẫu kiểm định, nghe bảo rằng độ này đã đỡ hơn, nhưng nói chung là nước mà chúng tôi dùng thì vẫn không đạt tiêu chuẩn”.