Đã có hơn 10.000 ca nhiễm cúm A/H1N1
Tuy nhiên, theo ông Nga, con số bệnh nhân thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều, do hiện nay Bộ Y tế đã có chủ trương điều trị sớm, điều trị ngay cho bệnh nhân có triệu chứng cúm A/H1N1 mà không cần xét nghiệm.
Cũng trong ngày 11/10, Bộ Y tế xác nhận thêm một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 bị tử vong tại tỉnh Gia Lai. Đó là một bệnh nhân nam, mới 14 tuổi trú tại Làng Blà, xã Đăk Soong, huyện Kông Chrò, tỉnh Gia Lai. bệnh nhân có tiền sử viêm cầu thận mạn tính. Trước khi nhập viện 1 tháng bệnh nhân có biểu hiện sốt, ăn uống kém, cơ thể suy kiệt, ở nhà có điều trị nhưng không đỡ.
Ngày 05/10/2009 bệnh nhân được đưa đến nhập bệnh viện huyện Kông Chrò trong tình trạng mệt mỏi, ho khạc ra máu, suy hô hấp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ Suy hô hấp độ 3, theo dõi lao phổi và được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai ngay trong ngày. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút nhưng tình trạng bệnh vẫn tiến triển nặng và tử vong lúc 20h40 ngày 07/10/2009 với chẩn đoán suy đa phủ tạng, suy hô hấp/cúm A/H1N1/viêm cầu thận mạn....
Trạm y tế xã được điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 nhẹ
Trước tình hình cúm A/H1N1 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế vừa có công văn số hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước triển khai điều trị cúm.
Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phân tuyến điều trị trong trường hợp dịch lây lan trong cộng đồng với nhiều người mắc cúm A/H1N1. Tại những địa phương có số lượng bệnh nhân cúm A/H1N1 lớn, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các bệnh viện trên địa bàn thì sẽ được hỗ trợ, giám sát, chỉ đạo của bệnh viện tuyến trên.
Trạm y tế cơ sở chỉ điều trị các trường hợp nhẹ, không có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thuộc các đối tượng không có yếu tố nguy cơ cao. Còn những trường hợp mắc cúm A/H1N1 hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 có yếu tố nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, béo phì, mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch phải được điều trị tại bệnh viện. Trạm y tế cơ sở thực hiện điều trị cúm phải đảm bảo điều kiện cách ly, phòng lây nhiễm theo quy định. Thực hiện nghiêm túc phương án điều trị tại chỗ, chỉ chuyển lên tuyến trên những trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của cơ sở đó.
Về vấn đề thực hiện chế độ miễn viện phí đối với người bệnh cúm A/H1N1, những người có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ cúm A/H1N1 nhưng tại cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ điều kiện để xét nghiệm khẳng định cúm A/H1N1 hoặc không thể xét nghiệm cho toàn bộ những người bệnh nghi ngờ cúm A/H1N1 thì sau khi hội chẩn chuyên môn mà cơ sở khám, chữa bệnh quyết định thực hiện điều trị cúm A/H1N1 thì vẫn sẽ được miễn phí trong điều trị.
Trước nguy cơ “đỉnh” dịch cúm A/H1N1 trong mùa đông sắp tới gần, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế. Nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm A/H1N1 và đến cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.