Gần đây, tại một số cửa hàng chuyên thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội đang rao bán loại tôm rảo siêu sạch Đoàn Văn Vươn, giá tương đối cao 350.000 đồng/kg, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Loại tôm này được phản ánh tươi, ăn giòn, ngọt thịt, được quảng cáo là tôm siêu sạch Đoàn Văn Vươn sạch 100% vì không nuôi bằng cám công nghiệp cũng như không có thuốc kháng sinh.
Anh Trần Văn Tuấn, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: "Tôm rảo của chú Đoàn Văn Vươn bán tại cửa hàng luôn trong tình trạng cháy hàng. Thậm chí, số lượng tôm nhập về mỗi lần còn không đủ để trả cho các đơn hàng khách đã đặt trước đó".
Người nông dân Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) khẳng định, ngoài loại vịt biển, hiện ông còn cung cấp ra thị trường loại tôm rảo siêu sạch. Tôm rảo của ông không có thuốc kháng sinh, không cho ăn cám công nghiệp và được nuôi theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên, tức tôm chỉ ăn tảo biển nên cực kỳ sạch.
Theo ông Vươn, đầm tôm của ông có diện tích rộng khoảng trên 40ha. Tuy nhiên, sản lượng tôm đánh bắt được hàng ngày lại không ổn định mà phụ thuộc vào thời tiết. Đơn cử, ngày cao điểm, thời tiết thuận lợi ông có thể đánh bắt được khoảng 50-60 kg tôm rảo, còn những ngày biển động thì chỉ đánh bắt được từ 20-30 kg.
"Số lượng tôm có hạn mà khách hàng thì nhiều. Một loạt các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đăng ký lấy tôm đều đặn hàng ngày nên lượng tôm thường không đủ xuất bán”, ông Vươn cho biết.
"Tôm được đánh bắt từ 3-4 giờ sáng, 5 giờ sáng ra xe khách gửi thẳng lên Hà Nội, đảm bảo tôm tươi ngon và không bị chết", ông Vươn nói.
Lứa tôm rảo biển của ông Vươn được nối tiếp thành công từ đàn vịt biển cung cấp tới thị trường Hà Nội hết hàng trong "nháy mắt".
Số lượng vịt sạch bán thịt là 400 con trong tổng số 1.000 con vịt nuôi thử nghiệm lứa đầu của ông Đoàn Văn Vươn đã được bán hết, 600 con còn lại là vịt đẻ trứng nên phải giữ lại.
Chị Ngô Tường Vi - chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch MichiMart - doanh nghiệp mà ông Đoàn Văn Vươn đã gặp gỡ khi lên Hà Nội tiếp thị vịt biển cho hay: “Vịt biển cứ lên tới đâu là hết tới đó, khách hàng đặt rất nhiều, còn không đủ cung cấp cho thị trường. Có khách hàng mua đợt trước, mang về ăn ngon, đã quay lại để mua thêm. Tôi cũng đang chờ đàn vịt biển nhà anh Vươn đẻ trứng để nhập trứng bán cho khách hàng”.
Câu chuyện về người kỹ sư nông nghiệp, tâm huyết với nghề nông bấp bênh và luẩn quẩn với câu hỏi "trồng cây gì nuôi con gì" sau 4 năm tạm giam, bị cưỡng chế hàng chục ha đầm từ chính quyền Hải Phòng đã gượng dậy với ước mơ về một quy hoạch nông nghiệp sạch.
Trước khi bị cưỡng chế, gia đình ông Vươn tốn công sức, tiền của xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn 40 ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng.
Có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống nhưng để quy hoạch, làm ăn một cách bài bản như vậy, trước đó ông đã là một kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành chăn nuôi.
“Xác định làm nghề gì cũng cần phải có kiến thức, vì vậy, tôi đã đăng kí theo học một lớp nông nghiệp tại chức để đảm bảo vừa có thời gian học, vừa có thờigian áp dụng những gì mình đã học vào thực tiễn luôn. Những năm 89 - 90, tôi tận mắt nhìn thấy người dân chịu khổ vất vả do tác động của triều cường, đất mặn xâּm hạּi. Vì vậy, tôi càng quyết tâm phải cải tạo được khu đầm ao nhà mình để đảm bảo năng suất", ông Vươn chia sẻ.
Dù điểm khởi đầu sau khi đặc xá gần 4 năm trong tù, rất tình cờ, ông được anh Nguyễn Viết Hồng - phụ trách dự án Ngân hàng vịt biển- đến tận nhà để trao đổi nuôi vịt biển và tặng ông 100 con thử nghiệm và đã thành công.
Đàn vịt biển nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Hiện nay, rất thiếu vốn, với thương hiệu ban đầu, nhiều người muốn hợp tác nhưng ông Vươn vẫn phải chối từ. Không phải vì kiêu ngạo, không phải muốn giấu bí quyết, mà như ông nói, làm ăn không thể chụp giật, mà muốn bình tĩnh hoàn thiện hơn nữa quy trình nuôi để có năng xuất cao và thịt thơm ngon hơn.
Thấy rằng, người nông dân, kể cả người có “cánh đồng mẫu lớn” như ông Vươn vẫn phải loay hoay tự tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nuôi con gì, trồng còn gì và đầu ra ở đâu? Mà còn phải tự xoay xở kiểu này, chuyện làm ăn của người nông dân vẫn phụ thuộc nhiều vào vận may rủi, kể cả với kỹ sư nông nghiệp giàu ý chí, ham hiểu biết như Đoàn Văn Vươn.