Sau tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, Triều Tiên liên tiếp đưa ra các lời đe doạ tấn công Hàn Quốc, Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc- đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng. Mới đây nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lớn tiếng đe doạ sẽ tấn công nước Mỹ thảm khốc hơn vụ khủng bố 11.9…
Phải chăng Triều Tiên thực sự muốn đối đầu với Hàn Quốc, và khiến quân đội Mỹ, với trang bị hiện đại hơn rất nhiều bị lôi kéo vào cuộc?
Chỉ riêng với sự kiện Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bom hạt nhân, giáo sư Damien Kingssbury nhận định trên báo ABC.net.au rằng, còn phải xác thực xem có đúng là bom nhiệt hạch hay không, nếu đúng điều đó cho thấy, độ ngông cuồng của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, bất chấp dư luận thế giới.
Để lý giải cho những hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Bình Nhưỡng,giáo sư Damien Kingssbury cho rằng, Triều Tiên đang phải đối mặt với hai vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau đó là lo lắng về việc duy trì chế độ chính trị và lo ngại bị cô lập về ngoại giao và kinh tế một cách sâu rộng sẽ làm kiệt quệ thêm nền kinh tế của nước này.
Kim Jong Un cũng như cố nhà lãnh đạo Kim Jong Il, luôn đặt đất nước dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, vì vậy tình trạng đói nghèo ở bên trong Triều Tiên ít có được thông tin xác thực.
Đối với dân chúng, Triều Tiên tuyên truyền rằng những khó khăn mà họ gặp phải đều do bên ngoài tạo ra. Triều Tiên cũng dung truyền thong để thường xuyên nói xấu về Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ với hàm ý chỉ có sự sẵn sàng về quân sự của Triều Tiên mới có thể ngăn chặn các quốc gia này tấn công và cô lập họ.
Trong những thập kỉ qua, với sự khiêu khích quân sự của mình, Triều Tiên đã phải chịu đựng hàng loạt lệnh cấm vận về kinh tế và điều này đã ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân Triều Tiên. Theo phân tích của ông Damien Kingssbur, mặc dù cùng với thời gian, cấm vận được nới lỏng song sự trì hoãn trong tiến trình đàm phán đã làm gia tăng hơn sự khiêu khích quân sự từ phía Triều Tiên. Có thể thấy một logic ở đây là, nếu các bên thực hiện không đúng hoặc chậm trễ, phía Triều Tiên sẽ đe dọa với những kiểu hành động mà đã dẫn tới các lệnh cấm vận trước đó.
Các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn đặt đất nước dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.
Chưa kể đến, chính trường trong bóng tối ở Triều Tiên cũng xuất hiện hai luồng quan điểm: Thích xung đột và giảng hoà với các nước. Từ khi Kim Jong Un cầm quyền 2011, nhà lãnh đạo này đã khẳng định mình đứng về phe thích xung đột. Vụ phóng tên lửa gần đây và giờ là thử nghiệm bom H đã cho thấy quan điểm nhất quán của Kim Jung Un.
Trong khi thế giới lo ngại rằng tính hiếu chiến và tư tưởng xâm lược có thể dẫn tới cuộc chiến tranh không mong muốn thì ông Kim Jong Un lại muốn cho thế giới phải cầu xin ông từ bỏ việc đe dọa và phải gỡ bỏ những lệnh cấm vận. Tuy nhiên, những hành động của quốc gia này đang đem lại những kết quả trái ngược với mong muốn.
Đối với Triều Tiên, nơi mà sự cực đoan và các tướng lĩnh mới là những người nắm giữ quyền lực thực sự, theo như cách nói của Winston Churchill, ông Kim Jong Un đang ở thế "cưỡi trên lưng cọp" và không dám xuống vì sợ bị ăn thịt.