Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền sinh năm 1942 tại Vĩnh Long trong một gia đình người Hoa có truyền thống về võ thuật.
Dù sinh thành trong cái nôi võ học nhưng Lý Huỳnh lại không học được nhiều võ từ cha mà chủ yếu từ ba người thầy: võ sư Hải Yến, võ sư Huỳnh Đạt Dân và Huỳnh Tiền.
Nhờ những bài quyền côn của võ sư Hải Yến truyền dạy mà sau này, khi đóng phim "Vùng gió xoáy", Lý Huỳnh đã có dịp khoe bài trường côn làm người xem ngưỡng mộ.
Với võ sư Huỳnh Đạt Dân, Lý Huỳnh học chủ yếu binh khí là đao và kiếm. Trong khi võ sư Huỳnh Tiền dạy ông võ tự do.
Lý Huỳnh (bên phải) thời xưng hùng trên võ đài.
Chuyên đánh bại các đương kim vô địch
Lần đầu lên võ đài của Lý Huỳnh hết sức đặc biệt. Người ta đánh từ từ lên rồi mới đụng đương kim vô địch, đằng này, Lý Huỳnh giáp mặt nhà vô địch ngay lần đầu lên võ đài.
Lúc đó, Lý Huỳnh mới 17 tuổi và nặng 60 kg. Đối thủ của ông là võ sĩ Văn Đại, đương kim vô địch Việt Nam năm 1957. Họ đấu với nhau 2 trận, Lý Huỳnh thua 1 và hòa 1.
Sau này, nhiều người nói, đó là trận đấu may mắn cho cả hai võ sĩ. Tại sao lại có chuyện kỳ lạ như thế?
Với Văn Đại, nói may là bởi nếu bị thua trước một cậu thiếu niên lần đầu đánh võ đài thì thật... bẽ mặt! 1 thắng, 1 hòa giúp nhà đương kim vô địch giữ được "phần thể diện" cho mình.
Với Lý Huỳnh, trận đầu bị xử thua là bởi... thiếu kinh nghiệm. Ông nói: "Khi đánh hiệp 2, tôi uýnh Văn Đại ngã rồi nhưng tôi không biết cái bồi thêm nên mới thua".
Lý Huỳnh kể: "Trận đấu phục thù năm 1960, tôi mạnh hơn ông ấy. Nếu công bằng thì tôi thắng chứ không xử hòa đâu".
Nhưng dù thắng hay thua thì Lý Huỳnh cũng đã "có số" trên cả võ đài lẫn giới võ thuật. Để rồi những trận cáp độ võ đài sau đó của Lý Huỳnh đều là các nhà vô địch.
Trận đánh võ đài tiếp theo, Lý Huỳnh đấu với võ sĩ người Pháp, Lyauté Francoise - vô địch võ biền Pháp ở Việt Nam. Ông nói: "Tôi uýnh có 3 hiệp, ông ấy nằm luôn".
Các trận thắng cứ thế nối đuôi nhau trên võ đài. Trong trận thắng võ sĩ Anh Thạch (võ sư nổi tiếng ở miền Bắc vào miền Nam năm 1954), Lý Huỳnh kể: "Tôi đấu với ông ấy hai trận. Trận đầu tôi thắng điểm. Trận thứ hai tôi uýnh nock out luôn".
Sau chiến thắng này, Lý Huỳnh lại thượng đài với người vô địch 6 tỉnh miền Trung, võ sư Mạch Trung Phương. Lý Huỳnh cũng thắng luôn.
Lý Huỳnh tự nhận sở trường của mình là võ tự do. Ở thể loại này, ông chấp mọi kí lô. Nhưng sau này, hễ cứ đánh tự do là các đối thủ của ông... "dọt lẹ".
Đó là trận đấu với võ sư vô địch Hải Phòng. Đã cáp độ xong xuôi, bữa mai thượng đài thì hôm nay, đối thủ của ông xin rút.
Sau này mới biết, vị võ sư kia đi hỏi dò những người đã từng đấu và bại dưới tay Lý Huỳnh, thì ai cũng nói: "Đừng đấu, ông ấy uýnh chết đó. Lý Huỳnh ghê lắm...".
Thế là Lý Huỳnh đành phải trở lại đấu quyền anh. Bởi lẽ đấu tự do, có cáp độ, võ sĩ tham gia đấu đều phải ký giấy sinh tử. Đánh thua, chết bỏ.
Khi kể lại những năm tháng xưng hùng trên võ đài miền Nam, Lý Huỳnh cười bảo: "Tôi có số đó, đụng toàn vô địch không hà. Đánh vòng vòng tất cả 12 trận, tôi thắng 8, thua 2, hòa 2".
Ngoài 70, Lý Huỳnh bảo, giờ không đấu được nữa rồi, chỉ múa quyền được thôi!
Thách đấu Lý Tiểu Long vì bị xúc phạm
Lý Huỳnh nổi tiếng với chiêu liên hoàn bát cước (tung người đá 8 cước trên không). Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ có tên Võ đường Bình Thới (quận 11).
Từ lò võ này đã đào tạo ra nhiều võ sĩ giỏi và đều được gọi bắt đầu bằng tên Lý Huỳnh. Trong đó có thể kể đến các võ sĩ Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến...
Sự kiện Lý Huỳnh thách đấu Lý Tiểu Long đã rầm rồ một thời trên báo chí Việt Nam và báo chí Hồng Kông những năm 70. Tuy nhiên, Lý Huỳnh cho biết, câu chuyện này được báo chí thêu dệt nhiều!
Lý Huỳnh bảo: "Ngày đó báo chí tự do, trên trời dưới đất, thích viết gì thì viết, thế nên chuyện tôi thách đấu Lý Tiểu Long lúc đó báo chí làm to quá".
Sự thật đằng sau câu chuyện thách đấu rầm rộ khi ấy được chính người thách đấu nói lại là vì... cảm thấy bị xúc phạm!
Số là, năm 1970, đoàn phim Hồng Kông sang Việt Nam để thực hiện phim "Long hổ thách đấu". Họ tìm tới các võ đường để casting diễn viên.
Sau khi tham quan nhiều võ đường, trong đó có võ đường của Lý Huỳnh, các võ sinh lần lượt ra biểu diễn quyền cước, đao, côn... Lý Huỳnh cũng biểu diễn bài Thiếu lâm tự và đá liên hoàn bát cước.
Sau khi được chiêm ngưỡng bài quyền của Lý Huỳnh, vị đạo diễn vỗ vai bảo ông: "Tôi mời anh đóng vai sư huynh của võ đường. Trong môn phái đó bị bọn tà phái tới phá. Anh sẽ là người uýnh tụi nó".
Tiếc là Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thách đấu của Lý Huỳnh, nếu không đã có một trận thư hùng để đời.
Cùng với Lý Huỳnh khi ấy còn có 3 người khác được chọn đóng bộ phim này. Và cảnh quay đó được thực hiện trong nghĩa địa. Quay xong, ông đạo diễn phim bảo: "Lý Huỳnh đá hay lắm, đẹp lắm, nhưng Lý Huỳnh có dám đánh Lý Tiểu Long không?"
"Ông đạo diễn đó hỏi vậy là xúc phạm tôi. Tôi bảo, này, tôi thách Lý Tiểu Long. Anh cứ ghi đi, tôi thách Lý Tiểu Long đánh. Tại sao tôi thách? Vì tôi là võ sĩ uýnh đài. Ông Lý Tiểu Long là võ sĩ màn ảnh, ông ấy không uýnh đài".
Đối với võ sĩ, ăn thua là chuyện bình thường. "Hỏi võ sĩ mà hỏi có dám không? Đó là xúc phạm mình. Nếu ông ấy không hỏi, khi không tôi thách đấu Lý Tiểu Long làm gì!", Lý Huỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, Lý Tiểu Long còn chưa kịp nhận lời thì đã qua đời sau đó không lâu. Thế là cuộc thách đấu đó đã không xảy ra.