1. ’Tranh treo trên đầu và nước dưới chân’
Trong nhà có những vật dụng trang trí ở trên cao như tranh đầu giường, đèn treo trần nhà, tấm lấy sáng ở giếng trời, bồn nước... Nếu không treo chắc chắn, đúng kỹ thuật, tranh sẽ có nguy cơ rơi xuống. Kính lấy sáng nơi giếng trời nên sử dụng tấm poly trong hoặc kính cường lực có nguồn gốc tin tưởng. Có trường hợp xảy ra tai nạn chết người do bồn nước trọng lượng lớn rơi xuống.
Với sàn nhà, nếu chọn vật liệu không phù hợp cũng sẽ gây tai nạn. Trong nhà vệ sinh không nên lát sàn bằng vật liệu trơn láng. Bậc tam cấp ngoài trời chọn vật liệu không phù hợp, nhanh bị đóng rêu khiến bạn té ngã.
2. Thiết kế chỗ để nước sôi, dao kéo không an toàn
Các vật dụng sử dụng hàng ngày như bình đun nước sôi, nồi cơm điện hay lò vi sóng đặt nơi không hợp lý rất dễ gây tai nạn trong nhà có trẻ nhỏ. Một số tủ bếp có ngăn để dao kéo, vật nhọn nguy hiểm trong tầm với của trẻ cũng có thể gây họa.
3. Đèn ngủ rọi thẳng vào đầu giường ngủ
Một số trang trí trong phòng ngủ, nhất là đèn trên trần, đã vô tình đặt đúng vị trí có thể rọi thẳng vào mặt của người nằm trên giường hoặc có thể rơi xuống nếu cố định không an toàn.
4. Ổ cắm tầm thấp không có nắp khóa an toàn cho trẻ
Vị trí ổ cắm có thể cao 150 cm hoặc chỉ cao 30 cm so với mặt sàn. Ổ cắm ở tầm thấp thì thẩm mỹ và thuận tiện hơn trong một số thao tác sử dụng. Nhưng nếu ổ cắm ở vị trí thấp không có nắp an toàn thì có thể gây tai nạn cho trẻ bất cứ lúc nào.
5. Không thiết kế dây tiếp đất
Hầu hết các nhà dân hiện nay không sử dụng dây tiếp đất an toàn để chống rò rỉ điện từ các thiết bị điện. Hệ thống tiếp điện cũng như hệ thống chống sét trong nhà rất cần thiết đầu tư vì chi phí không lớn nhưng đảm bảo an toàn cho gia đình.
6. Không có sự đối lưu không khí ở mức tối thiểu
Một số chủ nhà muốn tận dụng tối đa diện tích trong ngôi nhà mà chọn thiết kế không thông thoáng, thiếu sáng. Nhiều căn phòng chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính ra vào phòng, không khí không được đối lưu nên người trong nhà hay bị ốm do thiếu khí.