Một bức ảnh từ vệ tinh của NASA mới đây đã cho thấy làn khói mù dày đặc đang bao phủ phần lớn khu vực Đông Nam Á của chúng ta.
Bức ảnh cho thấy rõ nét luồng khói mù xuất phát từ đám cháy trong những bãi than bùn tại hai hòn đảo Sumatra và Borneo của Indonesia.
Đám khói được thổi sang phía Tây, hình thành một đám mây dày đặc bao phủ cả hai hòn đảo và các quốc gia lân cận là Singapore và Malaysia.
Đám khói này đang khiến rất nhiều người tỏ ra lo ngại. Việc khói mù dày đặc đã khiến số ca tử vong và nhập viện vì tai nạn giao thông gia tăng, gây ảnh hưởng đến giao thông vận tải, đồng thời khiến căng thẳng chính trị giữa Indonesia và Singapore leo thang.
Đồng thời, lửa cháy đã thải ra hàng triệu tấn carbon vào bầu khí quyển. Theo báo cáo của Cục thông tin khí thải toàn cầu, con số này rơi vào khoảng 600 triệu tấn.
Bên cạnh đó hiện tượng El Nino năm nay khiến cho hậu quả của đám cháy trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chúng ta không thể lấy El Nino ra để biện minh, khi ngọn lửa này và điều kiện để nó phát triển mạnh là do bàn tay của con người.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, hàng triệu hecta rừng mưa nhiệt đới và đầm lầy than bùn đã bị xóa sổ, để lại các cây bụi và bãi than bùn khô – những thứ rất dễ phát hỏa và đặc biệt khó dập tắt.
Quá trình này bị đẩy nhanh vì ngành công nghiệp khai thác gỗ và khai thác dầu cọ của con người.
Hiện nay, chính phủ Indonesia đã ra lệnh bắt một số công ty khai thác gỗ và dầu cọ - những người được cho là đã gây nên hậu quả trên. Chính phủ Singapore cũng khẳng định các công ty này sẽ bị phạt một khoản tiền rất lớn.
Theo các chuyên gia, tin xấu là đám cháy và sương mù có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Chính phủ Indonesia đã khẳng định sẽ dập tắt đám lửa trong vài tuần.
Nhưng các khoa học gia tại NASA lại cho rằng, đám cháy này thậm chí còn lớn hơn sự kiện năm 1997 – 1998, khi ngọn lửa từ Indonesia đã được đánh giá là “thảm họa toàn cầu”.
Robert Field - nhà khoa học của NASA từ ĐH Columbia cho biết: “Tình trạng của Singapore và phía Đông Nam đảo Sumatra khá giống với sự kiện năm 1997.
Cũng với hiện tượng mùa khô kéo dài, chúng tôi ước chừng năm 2015 sẽ là một trong những sự kiện tàn phá thiên nhiên nghiêm trọng nhất lịch sử”.