Theo tính toán của PVN, khi Nghi Sơn (Thanh Hóa) vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả Dung Quất) cho thị trường VN đạt khoảng 18,1 triệu mét khối.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường nội địa với xăng, dầu diesel và xăng Jet A1 vào năm 2018 chỉ khoảng 17,3 triệu mét khối. Như vậy, nguồn cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000m3. Còn sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Tình hình trên khiến PVN lo ngại việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho Nghi Sơn là “khó khăn rất lớn đối với PVN”, nhất là khi giá bán sản phẩm của Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường VN.
Nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu, việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro rất lớn. PVN theo đó kiến nghị chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất để đảm bảo cho các nhà máy này được tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết về nguyên tắc đều có quy định việc cạnh tranh bình đẳng và không có đặc quyền đặc lợi. Theo các chuyên gia kinh tế: “Nếu đề xuất này được chấp thuận, đến khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, những quy định đó chắc chắn bị kiện cáo vì đó là cạnh tranh không bình đẳng. Tốt nhất là lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn phải giảm giá thành để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu”.