Hơn chục năm qua, người dân Sài Gòn quen thuộc với lão già mắt mù ngồi ở góc đường Ba Tháng Hai – Nguyễn Tri Phương bán bánh bông lan. Trước đây, lắm người nghĩ, lão lấy “sự mù” của mình để kiếm tiền từ lòng thương hại của mọi người. Nhưng, theo năm tháng, lão vẫn ngồi đó, vẫn chiếc giỏ đựng bánh bông lan.
Lão là Trương Minh Quang (67 tuổi, ngụ phường 2, quận 11). Lão kể, quê ở miệt Mỹ Tho. Khi sinh ra, đôi mắt vẫn bình thường. 9 tuổi, trong một cơn bạo bệnh, đôi mắt mờ dần rồi không còn nhìn thấy gì. Gia đình nghèo khó, cái ăn cái mặc vẫn còn thiếu nên lão không được đưa đi chữa trị. Từ đó, ánh sáng khép lại trước đôi mắt lão.
12 tuổi, lão buồn khi nghe tiếng thở dài của mẹ. Lão ngẫm: “Mình mù nhưng vẫn có thể giúp cha mẹ”. Lão nhờ một người bạn dẫn đến đại lý vé số gần nhà xin nhận vé số đi bán. Ban đầu, dò đường khó nhưng rồi lão cũng quen. Mỗi ngày, lão cũng kiếm được chút đỉnh tiền để đưa cho mẹ.
Thời gian trôi, lão quen với một thiếu nữ. Cùng nghề, mỗi buổi trưa, hai người thường ngồi dưới bóng cây trò chuyện. Lão “rút hết tâm gan” tâm sự. Lão cảm thấy vui có người sẵn sàng ngồi nghe mình nói.
Một hôm, lão giật mình khi người bạn gái bảo: “Hay mình cưới nhau đi”. Lão muốn lắm! Nhưng, sợ cô bạn khổ khi lấy một người đàn ông không có mắt làm chồng. Cô gái biết động viên. Và… sau đó không lâu, họ nên vợ thành chồng.
Hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Lão thương, ngồi tâm sự với vợ: “Hay bà đi kiếm người đàn ông khác. Chứ, bà sống với tui khổ quá!”. Bà khóc, đấm vào người ông rấm rứt: “Ông mù chứ trái tim có không đập đâu. Ông đuổi, tui cũng không đi. Ông mãi là chồng tui, là cha các con của tui”.
Những tấm vé số không đủ cưu mang gia đình nhỏ ấy. Một đêm, bà thủ thỉ: “Ở đây khó khăn quá, nhà mình lên Sài Gòn thử vận may”. Lão im lặng gật đầu mà lòng lắm trăn trở. Tuần sau, bà dắt díu lão cùng hai đứa con đi. Họ vẫn tiếp tục với công việc bán vé số. “Ở đây, nhiều người, thu nhập cũng ổn định hơn. Tôi nuôi được hai đứa con ăn học đàng hoàng”, lão kể.
Rồi, biến cố xảy ra. Một hôm, có đám côn đồ giật mất cọc vé số. Tay trắng, vợ chồng lão chỉ biết ôm nhau khóc. Đêm vơi buồn, bà thủ thỉ: “Cụt vốn bán vé số rồi, hay mình làm bánh bông lan bán”. Bà kể, thời con gái, được mẹ dạy cách làm bánh. Bà làm được bánh nhưng không biết bán sao. Lão cười hì hà: “Bà cứ làm, việc bán để tui”.
Từ đó đến nay, mỗi sáng, 6 giờ lão dậy, vệ sinh cá nhân xong, lão uống tách cà phê đen cho tỉnh người. Rồi lão lấy chiếc thùng lớn đập trứng bỏ vào theo tỷ lệ bột, ngồi đánh trứng cho đến khi lớp bọt nổi lên và cho đường vào. Khoảng 10 giờ, bánh đã xong, lão ngồi nghỉ ngơi, chờ bữa trưa. 12 giờ, anh xe ôm quen sang chở lão cùng giỏ bánh thơm nức ra chỗ ngồi quen thuộc.
Mới ngày nào, giờ nhìn lại đã gần 15 năm bán bánh. Nhờ bán bánh, vợ chồng lão tích cóp, mua được một căn nhà nhỏ. Cùng khoảng thời gian này, đứa con đầu xin được việc làm. “Tui từng nghĩ, từ nay mình đã có thể nở nụ cười được rồi”, lão nói.
Đời không thể nói trước điều gì. Tiền nhà vừa trả xong, đứa con lớn bỗng dưng mắc bệnh hiểm nghèo. Lão bán nhà chữa trị nhưng con vẫn ra đi. Nước mắt lão khóc cho đứa con vắn số. “Tui già rồi. Phải chi để tui chết thay nó có phải hay hơn không”, lão rầu rầu.
Biến cố xảy ra, nỗi buồn liên tiếp đến với lão
Rít điếu thuốc, lão lấy lại bình tĩnh kể tiếp. Cũng may, chủ mua nhà có lòng tốt nên cho thuê lại với giá rẻ để vợ chồng lão ở. Đến nay, lão bệnh, nhiều khi thở không nổi. Nhưng, vì mưu sinh, hàng ngày vẫn góc đường ngồi bán bánh. Vợ lão mắc bệnh tiểu đường, huyết áp thấp. Đứa con út vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường…
Lão chia sẻ, khi mới bán, nhiều người đi ngang, xỉa xói, cho rằng lão lợi dụng lòng thương hại của mọi người. Theo thời gian, rồi họ cũng hiểu, lão chỉ muốn kiếm tiền bằng chính công sức của mình.
“Mỗi ngày, tui bán 100 cái bánh. Mỗi cái 5000 đồng. Có ngày, đến đêm khuya mới hết, anh xe ôm mới chở về. Thế mà, bà ấy đếm, lắm khi lên đến gần cả triệu. Nhiều người thấy thương nên cho thêm tiền. Ngẫm lại, tui cũng mừng lắm chứ! Tui cũng cầu mong, những người có tấm lòng tốt được sống bình yên, vui vẻ”, lão cười.