Hơn 10 năm trước, anh Đỗ Văn Thăng (thôn Phù Xá Đoài, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thử sức với mô hình chăn nuôi kỳ đà.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư vào con giống lớn, lại thiếu kinh nghiệm nên anh thất bại. Thời điểm này, Nhà nước ban hành một số chính sách khuyến khích nông dân sản xuất theo mô hình trang trại, anh Thăng đánh liều vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng lập một trang trại nuôi lợn ngay tại làng quê mình. “Riêng tiền làm chuồng trại cũng bằng tiền xây cả một ngôi nhà mấy tầng, chưa kể tiền mua con giống, thức ăn, và những chi phí khác” - anh Thăng hóm hỉnh nhớ lại.
Công sức của anh đã được đền đáp xứng đáng. Ngay lứa lợn đầu tiên, anh Thăng đã xuất hơn 5 tấn lợn thịt, thu về hàng trăm triệu đồng. Trên đà thắng lợi, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, tạo thành mô hình chăn nuôi khép kín. Xung quanh trang trại anh Thăng cho xây tường bao, bên cạnh có hai hồ nước rộng gần 1ha để thả cá, đồng thời dùng để điều hòa không khí anh xử lý các chất thải của lợn bằng hệ thống hiện đại, khép kín, phòng dịch nghiêm ngặt. Để đảm bảo sự phát triển của đàn lợn, anh Thăng đầu tư thêm một khu xưởng và máy móc chuyên sản xuất thức ăn cho lợn, thuê riêng 4 công nhân và bác sĩ thú y để chăm sóc đàn lợn.
Sau hơn 10 năm nuôi lợn, trang trại anh Thăng đã có quy mô gần 2ha, tổng đàn lợn của anh luôn dao động từ 800 - 1.000 con, trong đó có trên 100 lợn nái sinh sản, 10 lợn đực giống, 600 lợn thịt, và gần 200 lợn con. Mỗi năm anh cho xuất chuồng 3 - 4 lứa lợn thương phẩm, mỗi lứa hàng chục tấn. Số lợn giống bán ra từ 1.000 - 1.500 con/năm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Thăng thu về hàng tỷ đồng từ chăn nuôi lợn.