Sử dụng nước tẩy uế bồn cầu khi tẩm đường vào yếu sào
Gần đây báo chí đã đưa tin, trong một con hẻm thuộc địa bàn Quận 6, TP. HCM, có những bí mật rợn người về quy trình chế biến yến sào mà hễ ai biết được cũng không khỏi bàng hoàng.
Để tăng trọng lượng yến sào, các cơ sở chế biến sẽ tiến hành ngâm đường vào các tổ yến. Sau quá trình này những sợi yến vụn sẽ tăng ít nhất 25% trọng lượng. Nhưng trọng lượng đó dường như vẫn quá ít so với kỳ vọng của tư thương. Để tối đa hóa lợi nhuận, những sợi yến dài sẽ được nhúng chìm hẳn vào đường, sau đó đến công đoạn vô khuôn, tạo hình. Những sợi yến dài nhất được để ở mặt ngoài, những sợi yến vụn sẽ được nhét vào bên trong, sau đó đóng khuôn rồi mang đi sấy. Tại nơi sấy, yến sẽ được quạt liên tục trong vòng 8 tiếng, rồi bỏ vào khay.
Tẩm đường vào yến đã trở thành một nghề có chia vai vế, đẳng cấp về độ tinh vi. Với những người chuyên gia công yến, không khó để hô biến 1 kg đường có trị giá chỉ 30.000 đồng thành 1 kg yến trị giá tới 30 triệu đồng. Nếu không may bị phát hiện gian dối, tư thương có thể sẽ nói họ tẩm đường vào để người tiêu dùng đỡ phải thêm đường khi chưng yến. khủng khiếp hơn, khi tẩm đường vào yến, các loại dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước Oxy già hay nước Javen, được sử dụng khá nhiều.
Theo một số nhà kinh doanh yến, hiện nay trên thị trường, cứ 10 điểm kinh doanh yến thì có từ 8 đến 9 điểm bán yến tẩm đường. Tỷ lệ đường dao động từ 5-60%. Khi chưng yến lên, đường sẽ phản ứng hóa học với các chất dinh dưỡng trong yến và vô hiệu hóa nhiều chất dinh dưỡng quý. Như vậy, người tiêu dùng vừa phải trả tiền cao gấp trăm lần để mua đường, vừa phải ăn yến kém chất lượng.
"Công nghệ" thêu tổ
Những tổ yến nguyên chất sản xuất trong nước sẽ rất méo mó, sứt sẹo, to nhỏ không đều nhau. Theo anh Minh- chủ một cơ sở chế biến yến sào ở TP. HCM cho biết nếu cứ để nguyên thế này thì chẳng ai dám mua vì lẫn trong tổ yến có rất nhiều tạp chất như lông, rác, phân, đất, cát. Để bán được hàng, các cơ sở chế biến phải làm công việc "dọn" yến trước khi đóng gói. Mở một bao tải đựng tổ yến màu trắng ngà rất đều và đẹp, anh Minh cho biết cơ sở thường đặt mua tổ yến từ Malaysia hoặc Thái Lan với giá khoảng từ 5-6 triệu đồng/100 g rồi về gia công.
Công nghệ thêu tổ làm tăng khối lượng tổ yến
Ông Nguyễn Minh Quang - một "chuyên gia" sản xuất yến "độn" ở Ninh Thuận từ hơn 4 năm trước, nay đã giải nghệ - cho biết thêm: Thậm chí có thể dùng cọng bún tàu để "dệt" chung với yến thật vì màu sắc, kích cỡ của cả 2 khá tương đồng. Để tránh bị phát hiện vì bún tàu khi ngâm nước sẽ giãn nở, trước khi "dệt" tổ, người ta xử lý bằng cách ngâm chúng vào nước hàn the. Tổ yến dỏm cũng được ngâm phèn chua mươi phút để trắng và dai hơn.
Theo một người buôn yến sào ở Cam Ranh (Khánh Hòa), không chỉ tổ yến được độn khi làm sạch mà ngay cả khi còn thô cũng được "phù phép". Các cơ sở chế biến ngâm tổ yến thô vào nước ấm để lấy bớt các cọng yến thật, rồi thêm các nguyên liệu dỏm, kể cả lông và tạp chất, sau đó "thêu", xịt hóa chất chống mốc, tạo hương liệu có mùi tanh tổ yến, nhuộm thêm màu vàng nhạt để giống yến đảo,
Giá nào cũng có
Hiện nay, chỉ cần ra chợ người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp yến sào - một mặt hàng cao cấp được bày bán tràn lan với đủ các mức giá.
Có thể nói, yến sào là thị trường "mua nhờ niềm tin, bán nhờ thương hiệu". Thương hiệu càng nổi tiếng cũng có nghĩa là giá càng cao
Trước tình hình hỗn loạn về thương hiệu, các nhà kinh doanh yến sào đua nhau khuyến mãi, giảm giá. Có nơi giảm 50%, 64%, thậm chí giảm đến 97%.
Theo quảng cáo tại một website chuyên bán yến sào, người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 120.000 đồng sẽ mua được 100gr yến. Với mức giá này, một công nhân có thu nhập thấp cũng dễ dàng bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình..
Không những vậy, ngoài mức giá khuyến mãi trên, doanh nghiệp kinh doanh yến này còn cam kết sẽ tặng thêm một tai yến huyết trị giá 600.000 đồng, kèm theo một tai yến thiên nhiên và nhiều thứ khác.
yến sào được giao bán tràn lan trên mạng với giá nào cũng có
Đến tận nơi rao bán loại yến này để xác minh về chất lượng, phóng viên vẫn được người bán khẳng định, yến của mình là 100% nguyên chất.
Theo lý giải của người bán, yến có giá rẻ như thế là do trước đó yến hơi vụn, được ép lại thành tổ tổ, bản chất vẫn 100% yến nguyên chất.
Tuy nhiên khi biết thông tin yến sào được bán với giá trên, ông Trần Thu (quận Thủ Đức, TP.HCM), một người hiểu khá rõ về thị trường yến và có thói quen dùng yến sào để bồi bổ sức khỏe, không giấu được sự ngạc nhiên. Ông nói: "Không có chuyện tổ yến có giá dưới 1 triệu đồng/kg hoặc 2 triệu đồng/kg. Tôi không bao giờ tin tưởng được những tổ yến đó".
Theo các chuyên gia, giá yến thật là vô chừng, từ hơn 1 triệu đồng/kg yến cám, yến vụn đến hơn 200 triệu đồng/kg yến huyết. Bán giá thấp hay cao hoàn toàn phụ thuộc vào việc muốn lợi nhuận hay siêu lợi nhuận của tư thương.
Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua yến nhưng không biết mình ăn yến có chất lượng như thế nào bởi không có đơn vị hay cơ sở nào thẩm định chất lượng yến sào.
Thiếu kiểm tra chất lượng
Hiện nay, mô hình nuôi yến lấy tổ đang phát triển ở nhiều địa phương. Vì là yến nuôi nên giá không cao, giới bình dân cũng có thể mua dùng. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều nguồn cung cấp sản phẩm này thì việc thẩm định chất lượng trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng có thể bị lừa gạt khi bỏ ra số tiền lớn để mua các sản phẩm yến sào kém chất lượng, bị pha trộn. Điều đáng lo là hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đặt vấn đề kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng các sản phẩm yến sào trên thị trường.
Chính vì thế người tiêu dung cần thận trọng khi chọn mua các loại sản phẩm yến sào để tránh mua phải yến sào kém chất lượng với giá cắt cổ.