Theo Financial Times, các nước Phương Tây đã sai lầm khi cho rằng họ có xung đột với riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi thực tế là với toàn nước Nga. Tổng thống Putin có quan điểm dựa trên những tư duy truyền thống lâu đời của người dân Nga. Việc Phương Tây tạo sức ép để “loại bỏ” Tổng thống Nga chẳng thay đổi được gì bởi bất kỳ nhà lãnh đạo nào của chính quyền Moscow cũng sẽ đứng trên lập trường và lợi ích của người Nga.
Financial Times cho rằng nếu Nga có một vị Tổng thống mới, họ cũng sẽ có những quan điểm tương tự như ông Putin, nếu có khác thì chỉ là với phương pháp tiếp cận ôn hòa hơn.
Xung đột giữa Phương Tây và Nga không phải là vấn đề mới. Điều này đã bắt đầu từ 200 năm trước, vào cuối thời kỳ Napoleon, với nguyên nhân chính là sự khác biệt về giá trị lợi ích quốc gia. Trong thế kỷ 19, Nga vẫn là một nước theo chế độ quân chủ trong khi nhiều nước Châu Âu đang chuyển sang dân chủ tự do. Sự xung đột lợi ích giữa các tầng lớp thống trị đã thúc đẩy những mâu thuẫn chính trị, quân sự của 2 khu vực này.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng Nga vẫn là một cường quốc và là yếu tố cần thiết đối với an ninh Châu Âu. Tuy nhiên, các nước Châu Âu tìm kiếm sự an toàn bằng cách cân bằng vị thế và tầm ảnh hưởng của những cường quốc như Nga và Mỹ. Trong khi đó, Nga lại tìm kiếm một vị thế chiến lược có chiều sâu. Trong lịch sử, chính quyền Moscow đã nhiều lần đẩy tầm ảnh hưởng của mình ra xa khỏi biên giới Nga.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, đặc biệt trong thời Liên Xô cũ, đã khiến nhiều nước Phương Tây lo ngại. Việc thành lập Liên minh Châu Âu (EU) và khu vực đồng Euro (Eurozone) không chỉ nhằm tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa các nước Châu Âu mà còn có mục đích chính trị. Nga là một cường quốc, và việc tồn tại chung với nước này không phải là điều dễ dàng. Để có thể cân bằng lợi ích và vị thế giữa Nga và Mỹ, Châu Âu cần một sự liên minh giữa các nước thành viên.
Khối liên minh này của Châu Âu có vẻ đem lại kết quả khi Liên Xô tan rã và nhiều nước Đông Âu muốn gia nhập EU cũng như Eurozone, tiêu biểu là phong trào cách mạng màu tại các nước Liên Xô cũ đầu thập niên 2000. Mặc dù vậy, các quốc gia Châu Âu có vẻ đã quá chủ quan khi cho rằng Nga không còn vị thế như trước đây và đi chệch khỏi chiến lược cân bằng mà họ đã theo đuổi.
Sau hơn 20 năm hồi phục và phát triển, sự tăng trưởng về kinh tế, quân sự của Nga đã làm các nước Phương Tây bất ngờ. Trong khi đó, chính khu vực EU lại đang gặp phải nhiều rắc rối như vấn đề nhập cư, bất bình đẳng thu nhập hay sự trỗi dậy của các phong trào dân chủ chống EU tại Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Hy Lạp.
Tổng GDP của Nga (tỷ USD)
Việc cho phép gia tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ thông qua Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và can thiệp vào xung đột tại những nước có ảnh hưởng bởi Nga, như Geogia, đã làm tăng căng thẳng với chính quyền Moscow. Xung đột chính trị tại Ucraina thời gian gần đây chỉ là đỉnh điểm cho những bất đồng giữa cả 2 phía Nga-Phương Tây trong thời gian trước đó.
Sau khi chính quyền thân Phương Tây tại Ucraina lên nắm quyền, tình hình tại quốc gia này ngày càng tồi tệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 của Ucraina xuống -9% và nâng dự báo lạm phát cả năm lên 46%. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư dự đoán kinh tế Ucraina có thể suy giảm 10% vào cuối năm nay.
Tăng trưởng GDP của Ucraina (%)
Ngành sản xuất của Ucraina đã suy giảm 20% trong quý I/2015, còn lạm phát tháng 4/2015 đã lên mức 61% do đồng Hryvnia giảm giá mạnh. Phương Tây đã có nhiều hỗ trợ cho chính quyền Kiev, như khoản viện trợ 17,5 tỷ USD của IMF, nhưng tình hình không khả quan hơn.
Lạm phát tại Ucraina
Financial Times cho rằng Ucraina không thể tái thiết nếu thiếu Nga. Quốc gia này đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Nga về kinh tế, năng lượng cũng như tín dụng.
Không những vậy, quyết định tham gia xung đột tại Ucraina còn có thể tác động xấu tới Châu Âu. Khoảng 30% khí đốt tại khu vực này đến từ Nga và những quyết định sai lầm của EU đã nhiều lần khiến Châu Âu phải “rung chuyển” trong mùa đông do thiếu năng lượng. Bên cạnh đó, những rủi ro tài chính tại Hy Lạp và sự mất đoàn kết giữa các thành viên EU, đặc biệt là cuộc chưng cầu dân ý rời khỏi EU của Anh vào năm 2017, khiến họ không thể giành quá nhiều mối quan tâm cho Ucraina.
Năm 2014, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga của Phương Tây đã có một số ảnh hưởng, nhưng vẫn không đủ mạnh để thay đổi quan điểm của người dân Nga. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn cao, trên 80%, và nền kinh tế này trong thời gian gần đây đã dần hồi phục sau thời kỳ bất ổn.
Tỷ giá Rúp/USD
Đồng Rúp tăng giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các nước mới nổi từ đầu năm 2015 khi tăng mạnh từ mức thấp 80 Rúp/USD lên khoảng 50 Rúp/USD. Gần đây, IMF cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Nga lên thành 0,6% cho năm 2016. GDP của Nga đã tăng từ 260 tỷ USD năm 2000 (chiếm 0,8% GDP thế giới) lên 2.096,78 tỷ USD năm 2013 (chiếm 3,38%).
Trái ngược lại, kinh tế Châu Âu đang phải vật lộn với nhiều rủi ro. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang phả thực hiện chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ trị giá 1,1 nghìn tỷ Euro để thúc đẩy kinh tế, nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Đức là nước đi đầu trong việc chống lại ảnh hưởng của Nga và cũng là nước có nhiều đầu tư nhất Châu Âu vào cường quốc này. Tăng trưởng GDP quý I/2015 của Đức, nền kinh tế số 1 Châu Âu, đã thấp hơn so với Pháp, một bất ngờ với nhiều chuyên gia kinh tế.
Gần đây, mối quan hệ Nga-Mỹ đã có những tiến triển qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Mặc dù vậy, các nước Châu Âu có vẻ vẫn chưa đi đến thống nhất về việc liệu họ sẽ giải quyết mối quan hệ với Nga như thế nào. Rõ ràng là việc không gia tăng các lệnh trừng phạt Nga cho thấy dấu hiệu của sự nhượng bộ với Điện Kremlin. Tuy nhiên, việc không tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức tại Moscow của nhiều nước Châu Âu và không mời ông Putin đến tham dự Hội nghị các nước công nghiệp G7 vào cuối tuần này là động thái cho thấy vẫn có sự chống đối Nga tại Phương Tây.
Financial Times cho rằng Châu Âu cần phải điều chỉnh lại chiến lược, quay về với sự cân bằng trước đây. Dù tình hình hiện nay khá khó khăn cho việc hợp tác trở lại với Nga, nhưng các nhà lãnh đạo Phương Tây nên có những hành động thiện chí hơn, vì lợi ích của cả 2 bên.
Hoàng Nam - Tổng hợp