Vì cá tính nó quan trọng như dzậy, ghê gớm như dzậy cho nên nó rất được giới chuyên môn tôn trọng, khán giả quý mến. Như anh Tùng Dương đó - ai cũng bảo ảnh quái - nhưng mấy ai quái được vậy, cho nên người ta vẫn nể ảnh và nhờ vậy mà ảnh có được vị trí rất riêng trong nghề. Có điều, cá tính nó... “thần thánh” lắm nên không ai định lượng hay mô tả được chính xác nó như thế nào là hợp thời; thành ra có những lúc sự quái dị “khó đỡ” được gán ghép là cá tính.
Tỉ như mới đây nè, bữa ra mắt chương trình Project Runway Việt Nam 2015, cả khán giả lẫn truyền thông được một phen phát hoảng với những bộ trang phục “cá tính” của các “nhà thiết kế” tương lai. Một thí sinh quần dài đen đi kèm giày đế cao cam rực rỡ và jacket hoa hòe. Người mẫu của anh - một chàng trai khác - khoác lên mình bộ đầm dài lệch vai. Anh khẳng định anh là người có “gu” thiết kế lẫn chọn người mẫu.
Một mớ anh khác thì mặc trang phục... xuyên trên thấu dưới đến để gây ấn tượng với giám khảo. Nhiều anh nữa, đầy tự tin, thiết kế và tự thể hiện những bộ cánh không hiểu là váy hay quần. Trước sự “lộng lẫy” của dàn thí sinh, bộ vest sang trọng và lịch lãm trên người giám khảo Trương Ngọc Ánh bỗng trở nên... lạc lõng.
Trước đó, trong một chương trình tìm kiếm các biểu tượng thời trang dành cho giới trẻ, các “phấy sần nít ta” (Fashionista) cũng diện những bộ cánh “cá tính” đến mức ai nhìn thấy đều phải giật mình và tự hỏi liệu thời trang Việt Nam đã tiến xa hơn các nước bao nhiêu trăm năm để đạt đến “cảnh giới sáng tạo” khủng khiếp như vậy.
Mà hông chỉ thời trang đâu nghen. Lĩnh vực ca hát cũng có lắm cá tính giật mình dzậy đó. Như trong Vietnam Idol mới đây nè, món “đặc sản cá tính” lại được mang ra đãi khán giả khi những thí sinh quái dị được đưa lên sóng truyền hình cho mọi người tha hồ cười cợt, sốc và xấu hổ thay.
Không ai nói cho các bạn trẻ biết những “cá tính” đó đã vượt qua khỏi giới hạn của sáng tạo, trở thành dị hợm trong mắt công chúng như thế nào. Thậm chí trong rất nhiều chương trình, khi giám khảo không biết phải nói gì (chê thì mất lòng nhau) nên đành nói rằng thí sinh này kia có giọng hát cá tính, gương mặt cá tính, phong cách cá tính. Sic! Thách giám khảo nào giải thích được cái giọng hát cá tính là giọng hát như thế nào!
Kết quả là các bạn trẻ ấy bị nhốt luôn trong chiếc lồng cá tính, tự thấy mình... cá tính, cứ thế phát huy và khán giả cứ tiếp tục khóc ròng. Trách họ ư? Ừ thì cũng cần trách, nhưng chỉ một phần thôi. Đáng trách hơn là chúng ta nè, không thẳng thắn góp ý, cứ xuê xoa, dễ dãi. Có ai nghĩ tới chuyện ngày mai, khi những “cá tính” đó tràn ngập thì con em của chúng ta sẽ phải sống trong môi trường thế nào không?