Trâu nhà hóa trâu rừng
Hương Điền, Hương Quang là 2 xã nằm sâu trong Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Rừng là lợi thế, chính vì vậy người dân nơi đây lấy chăn nuôi làm hướng phát triển kinh tế, nhất là nuôi trâu, bò.
Chính cách chăn nuôi theo kiểu “gửi hết vào rừng” đã khiến những chú trâu nhà vốn hiền lành, ngoan ngoãn bỗng trở nên hung dữ, sợ người. Và những câu chuyện dở cười dở khóc bắt đầu nảy sinh từ đây. Nhiều gia đình có cả chục con trâu với tổng giá trị lên đến vài trăm triệu nhưng sau một thời gian thả trâu trong rừng, nay đành ngậm ngùi nhìn khối tài sản ấy nhởn nhơ, tung tăng trong những cánh rừng mà… bất lực.
“Ban đầu, những con trâu chỉ được thả ở mép rừng nhưng ngày này qua tháng khác, chúng tiến dần vào rừng sâu. Và cuối cùng, rừng chính là ngôi nhà của chúng”, anh Nguyễn Văn Sự, người dân ở xã Hương Quang cho biết.
Nhiều hộ ban đầu chỉ thả vào rừng 2 con trâu nhưng sau nămmười năm đàn trâu đã tăng lên cả gần chục con. Những chú nghé sinh ra trong môi trường tự nhiên, rong ruổi với cuộc sống núi rừng lớn lên trở thành những con trâu rừng hung dữ nhưng rất sợ người.
“Nhà tôi trước cũng có thả 3 con trâu, sau gần mười năm giờ thấy có cả một đàn hơn chục con. Dù là trâu của gia đình nhưng giờ thấy tôi là chúng chạy mất hút” - anh Sự cho biết thêm.
Đó cũng là tình trạng chung của hàng chục hộ dân ở 2 xã này.
Đi săn trâu nhà
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Lục (SN 1965, ở khối 2, thị trấn Vũ Quang), người được ví là “sát thủ” trâu luông. Bởi hàng chục con trâu thuộc dạng ma mãnh nhất, hung dữ nhất đều không thể thoát khỏi bàn tay của ông.
Cái nghiệp săn trâu luông bén duyên khi ông mới 27 tuổi. Và ông xem đó là một cái nghề để kiếm sống.
“Khi đi bộ đội, tôi thấy cách bà con dân tộc thiểu số bắt trâu rừng về làm thịt rất đơn giản mà hiệu quả; nhờ chút kinh nghiệm nên tôi áp dụng vào đây để bắt trâu luông”, ông Lục kể về cái duyên đến với nghề săn trâu của mình.
Ông cho biết, muốn tóm gọn được lũ trâu này phải theo dõi tập tính của chúng như khu vực đi ăn, nghỉ...
“Khi đã nắm được "lịch trình" của chúng, chúng tôi bắt đầu làm những cái rạc (chuồng) rộng vài ba chục mét ở những khu vực chúng hay về ngủ hay xuống uống nước. Sau đó chia người tản ra khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu vào vị trí đã đặt rạc. Khi trâu vào bẫy thì đặt thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con và dùng một chú trâu làm mồi để dẫn trâu săn về chuồng tạm được làm sẵn gần đó nhốt khoảng 3-4 ngày mới đưa về”, ông Lục cho biết.
Những cái rạc phải được làm chắc chắn, bên trong được làm theo nhiều ngăn nhỏ gần vừa với thân con trâu, để hạn chế khoảng trống.
“Vì loại trâu này rất nhát người và hung dữ, khi bị nhốt vào khuôn chúng húc phá chuồng điên cuồng. Nếu rạc không chắc thì nó sẽ phá hỏng và thoát được. Loại trâu này mà để sổng một lần thì không bao giờ có thể bắt được chúng nữa”, ông Lục cho biết thêm.
Anh Lương Sỹ Thanh (xã Sơn Thọ) cho biết, anh vừa mua đàn trâu 10 con của một người dân ở xã Hương Quang với giá 60 triệu đồng nhưng đến nay, anh mới bắt được 6 con. Hiện, anh phải thuê thợ lên rừng để bắt nốt số còn lại.
Ông Lục cho biết: “Mỗi lần săn được trâu, tôi được trả công vài trăm nghìn/con, những con trâu khó bắt có khi được trả lên tới cả triệu. Có nhiều cuộc đi săn tôi cũng kiếm được 5 đến 6 triệu đồng”.
Tuy thu nhập tốt nhưng nghề săn trâu luông là một nghề ẩn chứa nhiều hiểm nguy. “Có một lần tôi đang tiến hành xua đuổi đàn trâu để chúng chạy về hướng rạc đã đặt thì có một con trâu trốn trong lùm cây rậm bất ngờ tấn công. Tôi phải bám chặt vào giữa 2 sừng để tránh những đòn tấn công của nó. Lúc đó, nó điên cuồng tha cả tôi chạy vào rừng, được khoảng 300m thì tôi phải nhoài người lao xuống một con suối gần đó mới thoát được. Nhưng tôi vẫn bị một vết sừng đâm ở chân phải khâu đến 23 mũi”, đó là một trong những kỷ niệm mà ông vẫn còn nhớ mãi.
Không chỉ nguy hiểm do bị những con trâu này tấn công. Do phải đi vào trong rừng sâu, có khi vào ban đêm nên rắn độc cũng là một mối đe dọa.
Ông Lục không chỉ bắt trâu ở huyện Vũ Quang mà còn vào Quảng Bình, ra Nghệ An để bắt trâu cho người dân. Hiện ông đã nghỉ công việc này nhưng nếu ai cần giúp bắt trâu ông vẫn lên đường.
Theo một cán bộ ở xã Hương Quang, trước đây số lượng trâu người dân thả vào trong rừng rất nhiều, lên đến hàng trăm con. Đa phần chúng đã mang bản tính hoang dã nên việc bắt trở lại hết sức khó. Và nhờ những thợ săn trâu này mà số trâu luông hiện còn rất ít.