Doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng hội nhập và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang bị tụt hạng là hai chủ đề được quan tâm ở Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015.
Doanh nghiệp thờ ơ
Khi khảo sát về hiểu biết của DN với những nội dung cơ bản của hội nhập ASEAN (AEC) đã cho một kết quả bất ngờ: phần lớn các DN không biết gì về AEC. Họ không hiểu rõ các nội dung đàm phán cũng như những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC. Có tới 40% DN chưa thật sự quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đón đầu các cơ hội và vượt qua thách thức. Trong một khảo sát của Hội DN trẻ Hà Nội, thì cũng có đến 80% số DN được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập. Các DN Việt chưa thật sự quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đón đầu các cơ hội và vượt qua thách thức.
Trong khi các DN đang thờ ơ, mơ hồ, chưa sẵn sàng với hội nhập, nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thì những nguy cơ đối với sự phát triển của các DN cũng không hề nhỏ. Bởi theo lộ trình hội nhập, năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.715 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0%, theo đó có khoảng 90% số dòng thuế của biểu ATIGA (Hiệp định hàng hóa ASEAN có mức thuế suất 0%, và 97% số dòng thuế 0% vào năm 2018. Cũng trong năm 2015, những mặt hàng trong biểu ATIG sẽ được xoá bỏ thuế suất gồm: Động vật sống, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, cá hồi nước ngọt, cá phi lê tươi, hành tây, hành, hẹ, tỏi, tỏi tây, rượu vang làm từ nho tươi…
“Việc hội nhập AEC sẽ là cơ hội tốt để DN phát triển và khẳng định vị thế của mình. Nhưng nếu DN không chịu đổi mới hoặc không đủ năng lực để đổi mới thì nguy cơ bị “đào thải” sẽ càng cao. Trên thực tế, nhận thức của DN Việt về cơ hội, thách thức của hội nhập AEC vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số DN Việt Nam cho rằng, AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và không chú ý đến ASEAN vì cho rằng đây là thị trường nhỏ”, ông Đỗ Thanh Năm, Win - Win khẳng định.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, DN không hội nhập được ngay trên sân nhà. Việt Nam đã kéo thế giới vào, nhưng không hội nhập được. Vì DN không tiếp cận được. Bằng chứng là sự tham gia chuỗi sản xuất của Samsung, Toyota vừa qua. Chỉ có 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và chỉ có 2/12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Toyota tại Việt Nam. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng dưới mức trung bình và chậm được cải thiện, trong khi một số nước trong khu vực có tiến bộ đáng kể như Malaysia và Thái Lan.
Thay đổi tư duy hay thua trên sân nhà?
Hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho DN. Trong khi đó, bản thân DN Việt vẫn chưa sẵn sàng với hội nhập thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà sẽ xảy ra. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, khi các hiệp định thương mại tự do được triển khai, DN sẽ không chỉ phải cạnh tranh với các DN trong nước mà với cả các DN nước ngoài như các nước ASEAN và đối tác của ASEAN cũng như của Việt Nam.
Để đứng vững trên sân nhà và phát triển sâu rộng đến các thị trường khác thì điều đầu tiên DN cần làm là phải cải thiện trình độ về công nghệ, phải thay đổi tư duy trong hội nhập. Cụ thể DN cần xem ASEAN là thị trường quan trọng không thua Mỹ, Nhật hay EU. Xác định nếu không trụ được ở thị trường ASEAN thì không thể “bơi ra” được thị trường thế giới. Từ đó, DN cần có những tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thị trường ASEAN cũng như các chính sách hỗ trợ mà AEC mang lại để vạch ra chiến lược kinh doanh thích hợp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khanh khẳng định, DN phải chủ động tiếp cận các thông tin về hội nhập chứ không nên ỷ vào Nhà nước. Các thông tin về hội nhập đều đã được công khai rộng rãi. DN nên hỏi hiệp hội, nên thuê tư vấn độc lập để phân tích đánh giá đầy đủ tác động của hội nhập từ đó đề ra phương hướng cụ thể.
Nhà nước phải có vai trò thúc đẩy việc lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh. Cơ quan quản lý cần phải coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nên cần phải làm quyết liệt. “Hiện nay nhiều nội dung cải cách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chỉ dừng lại ở văn bản. Vì thế cần phải tạo ra sức ép thực hiện đối với các cán bộ, công chức cấp thừa hành”- PGS.TS. Ngô Trí Long