Đây là một dự án âm nhạc của nhà sản xuất người Mỹ Ian Brennan và nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam, Võ Vân Ánh, được ra đời để kỉ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam.
Những ký ức chiến tranh
Những người tham gia sản xuất dự án đều không xa lạ. Danh tiếng của nhà sản xuất Ian Brennan là ở mức độ toàn cầu khi ông là chủ nhân của 3 giải Grammy danh tiếng. Ông đã đưa những tên tuổi như Malawi Mouse Boys, The Good Ones hay Tinariwen ra tầm thế giới khi những đĩa nhạc của họ được vinh danh tại Grammy ở hạng mục World Music.
Trong khi đó Võ Vân Ánh (Vanessa Vo) lại là một trong những nghệ sĩ nhạc dân tộc có tiếng tăm tại Mỹ. Vân Ánh đã sáng tác nhạc cho những bộ phim được đề cử giải Oscar như Daughter From Danang (2003 Academy Awards) hay đã từng đoạt giải Emmy năm 2009 với soundtrack cho bộ phim Bolinao 52. Vân Ánh là người rất tâm huyết gìn giữ âm nhạc dân tộc Việt Nam và được xem là người thổi một sức sống hiện đại mới với những nhạc cụ dân tộc.
Cả Ian Brennan và Vân Ánh đều biết nhau từ gần 3 năm trước, chia sẻ với nhau nhiều thứ về âm nhạc nhưng cơ duyên về một sản phẩm âm nhạc về Việt Nam vẫn chưa đến. Vân Ánh nhớ lại rằng bản thân cô đã từng nuôi một đề tài âm nhạc mà người chơi sẽ là những nghệ sĩ cao niên Việt Nam bởi “họ càng ngày càng lớn tuổi và thật sự họ còn sống được với mình bao nhiêu lâu nữa mà mỗi nghệ nhân là một kho từ điển sống về âm nhạc và văn hóa Việt Nam”.
Với suy nghĩ ấy, Vân Ánh thường xuyên chia sẻ với các nghệ sĩ hay những nhà sản xuất âm nhạc ở bên Mỹ để tìm sự hợp tác và trong một lần chia sẻ thì Ian Brennan biết được và tỏ ra rất hứng thú. Sau đó Ian đã gọi điện cho Vân Ánh và muốn mời cô kết hợp làm dự án này. Và mùa Hè năm 2014 cả hai đã lên đường về Việt Nam để triển khai dự án này.
Ban đầu Hanoi Masters: War Is A Wound, Peace Is A Scar dự định sẽ là bản thu của những nghệ nhân nổi tiếng, hoặc là những người thầy nổi tiếng đã từng dạy Vân Ánh. Nhưng sau đó Ian có bàn với Vân Anh rằng đĩa nhạc này nên để dành riêng cho những nghệ nhân cao niên đã đi qua cuộc chiến.
Qua 40 năm, cuộc chiến đã im tiếng súng nhưng dường như chưa ai biết được thật sự tiếng lòng của những nghệ nhân đàn dân tộc đã từng đi qua cuộc chiến được thể hiện như thế nào. Ian cho rằng “những nghệ nhân đã từng tham gia quân ngũ ấy sẽ cho ra những suy nghĩ rất khác”. Và nội dung được thay thế, cả hai quyết định đi tìm lại những cao nhân đàn dân tộc đã từng trong quân ngũ và mời họ thu âm.
Người đầu tiên được mời chính là bố mẹ của nghệ sĩ Võ Vân Ánh. Vân Ánh kể lại rằng trong thời gian chiến tranh thì bố cô có đi chiến đấu nhưng thay vì cầm súng ông chọn tham gia với tư cách là nghệ sĩ chơi đàn guitar. Trong mỗi trận chiến, sau khi tiếng súng im hơi thì những người như ông sẽ vào trong trận địa để chơi nhạc cổ vũ tinh thần các chiến sĩ. Ông đã chứng kiến nhiều người bạn của mình bị bắn chết trong lúc đang chơi đàn nhưng đối với ông, sự nguy hiểm ấy vẫn dễ chấp nhận hơn là phải cầm súng.
Sự tàn khốc của chiến tranh luôn để lại nhiều ký ức khó quên. Ian kể rằng trong những nghệ nhân thu âm dự án này có những người từng cầm súng từ năm 13 tuổi, có những người trở về từ chiến trường và 40 năm sau dường như tách mình ra hẳn âm nhạc. Vân Ánh cũng kể thêm chuyện mẹ cô đã nhớ lại rằng những năm 1972 đã phải tránh bom ra sao, những cái chết sau mỗi cuộc không kích… Họ là Võ Tuấn Minh, Phạm Mộng Hải, Nguyễn Thị Lân, Xuân Hoạch… và giờ họ cùng nhau kể chuyện âm nhạc bằng hồi ức chiến tranh.
Đĩa nhạc này không hẳn gồm những bài hát thời chiến tranh mà còn trước đó hoặc trước đó rất lâu và có cả một vài sáng tác mới. Những bài như Canh hương, Hát văn, Ru con, Trống cơm, Xẩm huê tình, Xẩm thập ân, Hát lô hương đều là những bài dân gian, có thêm bài hiện đại hơn của Phó Đức Phương, Về quê, hay bài mới sáng tác, Quê mẹ (của Võ Tuấn Minh).
Chất liệu âm nhạc được phối tất cả bằng nhạc cụ dân tộc: Đàn tranh, đàn nguyệt, đàn K’ni, đàn bầu, đàn nhị hồ. Trong đó, Ian Brennan đặc biệt ấn tượng với tiếng đàn K’ni (hay còn gọi là đàn Rơ đoong, Rơ ruội, hoặc Bro Mamkhi) khi nó gần như tiếng lòng của người chơi, có âm sắc như tiếng người. Ian bảo rằng trước khi người phương Tây phát minh ra những nhạc cụ mới, những cây guitar điện với cần rung để méo tiếng thì cây đàn K’ni đã có đủ sắc thái ấy và đó là sự phát hiện thú vị của ông.
Còn một điều đặc biệt nữa trong đĩa nhạc này là tiếng đàn bầu được chơi trên nhạc cụ nguyên thủy. Dây đàn làm bằng tơ và vỏ được làm từ tre chứ không phải cây đàn bầu điện phổ thông hiện nay.
Âm nhạc tận đáy sâu nhất của con tim
Hanoi Masters: War Is A Wound, Peace Is A Scar tạo cảm giác cho người nghe về một sự mất mát, không chỉ của bản thân, gia đình, bạn bè mà còn lắng đọng về một thời kỳ lịch sử.
Nghệ sĩ Vân Ánh cho biết: “Thông điệp của đĩa nhạc này là thông điệp hòa bình, là tiếng lòng của các nghệ nhân đã đi qua cuộc chiến. Suy cho cùng chiến tranh đã để lại nỗi đau nhưng thời gian thì sẽ làm nó dịu bớt”.
Chính vì nó có thông điệp như thế nên với những ai nghiên cứu sâu hoặc yêu thích thể loại âm nhạc dân tộc sẽ không được quen tai lắm. Bởi việc lựa chọn bài hoàn toàn không do nhà sản xuất quyết định. Họ chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất với những nghệ nhân “Xin hãy chia sẻ và hát cho chúng tôi nghe những bài hát mà các bác muốn chia sẻ hoặc chưa chia sẻ cho ai bao giờ”. Đó chính là tinh thần của đĩa nhạc này. Nhà sản xuất muốn tìm đến âm nhạc tận đáy sâu nhất của con tim người sẽ hát lên bản nhạc đó. Chính vì thế mà những bài hát đều toát lên tình cảm và sự chân thành.
Chính vì thế mà âm nhạc và chất liệu âm nhạc của album này hoàn toàn khác hẳn với các đĩa nhạc cổ truyền Việt Nam từng phát hành ở nước ngoài. Bởi đây là những câu chuyện hết sức riêng tư, bằng âm nhạc, không quan trọng đó là một bản dân ca hay là bản phối với phần beat mới. Vì thế nó đem lại sự trung thực và không có sự cầu kỳ, uốn éo và cũng cần phải thổi phồng. “Đó là tiếng lòng của họ”, nghệ sĩ Vân Ánh chia sẻ.
Đĩa nhạc được phát hành vào ngày 30/3 dưới dạng CD và LP.
Album về “những vật báu”
“Thật ra thì kỳ vọng của Vân Ánh rất lớn, muốn âm nhạc dân tộc Việt Nam được biết đến, được bảo tồn và phát triển. Nhưng đó quả thật là công việc rất lớn mà tôi không thể nào một mình làm được.
Album này tôi mong muốn mọi người chú ý và thông qua đó, biết rằng chúng ta có những vật báu như vậy. Vật báu ở đây tôi không nói về con người mà là về văn hóa và âm nhạc. Còn những người nghệ sĩ, những nghệ nhân. Nếu chúng ta biết được mình có những vật báu như thế thì chúng ta sẽ biết giữ gìn. Album này vì thế, là một trong nhiều thứ mà Vân Ánh hy vọng sẽ tạo được sự quan tâm của công chúng” - nghệ sĩ Võ Vân Ánh