Ông Sowell, 66 tuổi, phục vụ trong quân đội Mỹ đúng hai năm. Ngày 22/4/1968, là một lính quân dịch, ông được gọi tới Fort Polk, Louisiana, tham gia trại huấn luyện cơ bản trong 8 tuần. Sowell sau đó được điều động tới chiến đấu ở Việt Nam, đóng quân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông giải ngũ vào ngày 22/4/1970. Từ đó, Sowell chưa bao giờ có thể ngủ liền 8 tiếng mỗi đêm bởi những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam luôn tìm về khiến ông trằn trọc.
"Chúng tôi phải ngủ trong tình cảnh một mắt nhắm, một mắt mở. Chúng tôi phải cắt cử người canh gác luân phiên, nhưng thực tế là bạn sẽ chẳng bao giờ muốn ngủ thật sự đâu", Sowell kể. "Trong đầu bạn luôn tồn tại suy nghĩ rằng nếu mình đi ngủ lúc này thì biết đâu đấy sáng mai sẽ thức dậy với một con dao găm trên bụng. Thứ suy nghĩ đó ám ảnh bạn. Tôi đã phải nói chuyện với bác sĩ tâm lý rất nhiều lần. Nhưng hơn 40 năm trôi qua cảm giác lo lắng ấy vẫn còn hiện hữu".
Sowell mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), một hội chứng mà rất nhiều cựu binh gặp phải sau khi trở về từ những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt. Ông cũng bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính, tiểu đường và một số bệnh lý liên quan đến thần kinh khác. Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân của những căn bệnh này là bởi Sowell đã phải tiếp xúc với chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh để phá rừng. "Chúng tôi ở ngay đó khi họ phun thứ chất độc hóa học ấy. Nhưng chúng tôi đâu thể biết đó là gì", ông nói.
Kể về ấn tượng đầu tiên khi bước chân xuống Sài Gòn để từ đây di chuyển tới nơi đóng quân, Sowell cho hay ông ngay lập tức biết rằng tương lai sẽ đầy rẫy khó khăn. Quãng thời gian ở Việt Nam đối với ông "là một trải nghiệm xương máu".
Theo Sowell, điều kiện sinh hoạt tại nơi ông đóng quân vô cùng tồi tàn. Trung đội của ông phải ở trong một căn hầm nhỏ với mái lợp bằng rơm. "Khi ra ngoài thực hiện nhiệm vụ, tôi và đồng đội còn phải ngủ dưới mương", ông nhớ lại.
Đạn pháo đôi khi nã ngay gần căn cứ vào giữa đêm khiến toàn trung đội của ông phải nháo nhác trốn dưới một căn hầm. Nhiều người còn chưa kịp mặc lại bộ quân phục. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đối với Sowell lại chính là lũ muỗi. "Chúng như thể muốn ăn tươi nuốt sống bạn vậy", ông miêu tả.
Khi tham chiến ở Việt Nam, Sowell suýt chết hai lần trong lúc làm nhiệm vụ nhưng theo ông con số này quá nhỏ bé. Một lần, ông nhận lệnh giải cứu đồng đội bị bắn thương chỉ cách đó khoảng 9 mét. Ông phải vừa cõng người bạn trên lưng vừa bò sát đất, nhích từng centimet, băng qua những ruộng lúa khi ngay trên đầu là làn đạn dày đặc.
"Tôi có thể thấy những viên đạn bay vun vút về phía mình nhưng thật may mắn tôi không bị bắn trúng", ông nói. "Lúc đó, chúng tôi chỉ tâm niệm một điều là cố gắng hết sức để giúp đỡ lẫn nhau bởi rất có thể trong một hoàn cảnh khác, người cần trợ giúp lại chính là tôi"
Sowell cho hay ông đã phải nỗ lực hết mình để sinh tồn sau khi chứng kiến cái chết của đồng đội. Bởi phải đối mặt với quá nhiều tình huống éo le nên niềm tin vào Chúa trời trong ông cũng vì thế mà lớn dần lên.
"Chúng tôi đọc Kinh thánh và cầu nguyện hàng ngày. Mỗi khi đi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi không biết ai sẽ quay trở lại và ai sẽ ra đi mãi mãi. Tôi cảm ơn Chúa vì đã cho tôi thêm một ngày để sống. Nhiều người bảo họ may mắn. Không phải vậy, họ đã được Chúa ban phước. Bạn phải cảm ơn Chúa vì có thể trở về nguyên vẹn bởi như tôi biết rất nhiều người bước ra từ cuộc chiến với cơ thể không lành lặn. Khi nhìn những hình ảnh như thế tôi cũng cảm thấy nhói đau".
Thậm chí đến nay, Sowell vẫn không thể xem những bộ phim về chiến tranh, đặc biệt khi chúng tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông luôn băn khoăn vì sao ông và các đồng đội lại phải tới Việt Nam để chiến đấu.
Tuy nhiên, bên cạnh những nối ám ảnh, sự khổ sở và đau đớn, Sonwell cho biết ông phần nào vẫn có một cái nhìn tích cực với những gì mình đã trải qua. Ông cũng có những ký ức vui vẻ khi được cùng bạn bè ăn cơm rang tôm ở Sài Gòn hay chơi bài dưới hầm trú ẩn.