- Sau vai diễn trong “Chàng trai năm ấy”, dự định tiếp theo của anh với phim ảnh ra sao?
- Tôi đã lỡ rất nhiều vai với phim truyện nhựa, chỉ đến khi gặp đạo diễn Quang Huy, tôi mới thực sự bén duyên với điện ảnh. Sau Thần tượng và Chàng trai năm ấy, sắp tới tôi tiếp tục hợp tác với êkíp Quang Huy trong một dự án mới.
Năm 2015 cũng đánh dấu sự trở lại của tôi với màn ảnh nhỏ. Sau ba năm vắng bóng, đây là lúc tôi muốn trả món nợ ân tình với những khán giả yêu quý mình. Trong số đó có mẹ tôi. Năm qua, sự ra đi của bố là tổn thất rất lớn đối với cả gia đình. Thay vì đi lại giữa Mỹ và Việt Nam, tôi ở nhà nhiều hơn với mẹ. Những lúc tôi vắng mặt, bà có thể thấy tôi thường xuyên hơn khi mở TV ra xem phim.
Quay lại với phim truyền hình cũng là cách để tôi khỏa lấp nỗi buồn trước sự ra đi của người thân. Khi đến trường quay, tôi được gặp bạn bè, đồng nghiệp, khiến tôi có cảm giác mình đang tồn tại.
- Thù lao ảnh hưởng thế nào đến quyết định quay lại của anh?
- Tôi không giàu đến mức không muốn nhận làm phim. Chẳng qua tôi chịu ảnh hưởng từ tính cách thảnh thơi, an nhàn của người Sài Gòn, nghĩa là vừa làm vừa hưởng thụ. Khi làm phim này xong, tôi phải dành thời gian nghỉ ngơi để làm phim khác.
Cát-xê cũng quan trọng với tôi, nhất là quãng thời gian bố tôi bị bệnh. Cũng có thời điểm, tôi nhận đóng phim vì cần tiền. Có những hợp đồng tôi ký vì lý do kinh tế. Ai cũng có lúc này lúc kia, tôi chưa khi nào tuyên bố không cần tiền. Thù lao phim truyền hình có thể giúp tôi mua được một món quà nào đó cho người thân, tự thưởng cho mình một chuyến du lịch, hay mua sắm đồ đạc gì đó cho gia đình.
Khi đóng phim truyền hình, nhà sản xuất trả thù lao rất tốt nên không có lý do gì khiến tôi từ chối.
- Vì sao đang gây ấn tượng với phim truyền hình, anh đột ngột dừng lại để chuyên tâm cho điện ảnh, sau đó lại công bố việc quay lại màn ảnh nhỏ?
- Sau thành công của vai diễn trong phim Lời thú nhận của Eva, tôi có cảm giác chán nản, muốn tìm cho mình một hướng đi mới. Tôi sợ sự quẩn quanh, lặp lại mình. Thành công của Lời thú nhận của Eva giúp tôi có sự mến mộ của khán giả. Nhưng nếu ở vai diễn sau, tôi lại xuất hiện, diễn cảnh đều đều như vậy, tôi thấy hết hứng thú làm việc. Với nhiều đồng nghiệp, có vai diễn, có thu nhập là tốt, cuộc sống ổn định là vui. Nếu là tôi, tôi cũng vui, nhưng chỉ vui trong chốc lát. Tôi cần một sự đột phá, một cái gì đó mới hơn chứ không phải là những vai diễn mà kịch bản sau na ná kịch bản trước.
Rồi tôi được gọi đến thế vai cho một cậu đóng thứ trong phim Thần tượng. Từ đó, tôi bén duyên với đạo diễn Quang Huy. Nếu vẫn đóng phim truyền hình đều đặn, có thể tôi sẽ có sự ổn định về tài chính nhưng không có đột phá trong sự nghiệp.
Hứa Vĩ Văn trong phim "Chàng trai năm ấy".
- Anh có tham vọng gì với sự nghiệp diễn xuất?
- Tôi thèm được làm những bộ phim mà người ta trầm trồ khen ngợi. Tôi thích người ta khen mình tài năng, sâu sắc nhiều hơn là đẹp trai. Đã làm nghệ thuật phải có đam mê, tôi không muốn mình là một "thợ diễn". Nếu có tác phẩm để đời, vai diễn để đời, được công nhận bằng những giải thưởng uy tín nhưng chỉ có ổ bánh mì để ăn, tôi cũng sẵn lòng.
Tôi mong muốn hình ảnh mình trong tương lai giống như diễn viên Hồng Ánh.
- Vai diễn hay không dễ có. Anh làm thế nào có được cơ hội để chứng tỏ tài năng?
- Tôi sẵn sàng tham gia những bộ phim thuộc dự án phim độc lập của các bạn trẻ, dù họ trả rất ít, thậm chí không có cát-xê. Đó là lý do tôi hay tham dự những sự kiện như “Gặp gỡ mùa thu” mới đây của đạo diễn Phan Đăng Di.
Có thể tôi sẽ trở thành nhà sản xuất, kết nối với thế giới những khâu còn yếu và thiếu để hoàn thiện phim của mình. Thực tế, ở Mỹ rất nhiều biên kịch, đạo diễn, họa sĩ giỏi thất nghiệp, tại sao ta không liên kết với họ để vừa làm vừa học.
- Anh nghĩ sao nếu nói, sau gần 20 năm bén duyên với nghệ thuật, anh vẫn loay hoay tìm hướng đi?
- Tôi không thấy mình loay hoay. Nghệ thuật đích thực đòi hỏi sự bền bỉ, thậm chí, người làm nghệ thuật biết chấp nhận hy sinh để có những tác phẩm đỉnh cao. Tôi có thừa khả năng diễn những vai giải trí nhẹ nhàng, cứ vậy nhận thù lao cho khỏe. Cớ sao phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ, tìm hướng đi cho tác phẩm. Là bởi tôi quan niệm, nghệ sĩ phải tạo xu hướng cho khán giả, giống như nhà thiết kế tạo ra những xu hướng, trào lưu thời trang. Nếu cứ chiều theo thị hiếu khán giả, tôi sẽ không có được vai diễn hay, vai để đời. Tôi phải là người tạo xu thế. Nếu không, biết đến khi nào người Việt Nam mới được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Đành rằng đất nước mình chịu hậu quả từ chiến tranh, nghèo đói liên miên nhưng đừng đổ thừa cho hoàn cảnh mà cho rằng không có điều kiện làm nghệ thuật tử tế. Không cần nhìn đâu xa, phim của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... phủ sóng khắp châu Á và một số nước phương Tây. Thậm chí, một số phim của họ có dấu ấn sâu đậm qua nhiều thế hệ.
Hứa Vĩ Văn thích đi du lịch. Anh ao ước đến những kinh đô điện ảnh trên thế giới để học hỏi cách làm phim.
- Phim chiều theo thị hiếu dễ có doanh thu. Theo anh, những người làm phim tâm huyết nên giải quyết bài toán này thế nào?
- Người làm nghệ thuật luôn cần đến khán giả. Tôi nói khán giả ở đây là số đông. Chúng tôi làm phim xuất phát từ mong muốn khán giả được thưởng thức những điều mới lạ, chứ không phải bỏ tiền ra để đón nhận những sản phẩm chỉ đi theo lối mòn.
Với khán giả Việt Nam, nhất là những người đam mê phim điện ảnh, họ thừa tư duy phán xét vì bản thân họ xem nhiều phim hay của thế giới. Tôi tin những người như vậy sẽ ủng hộ và hãnh diện nếu chúng ta làm được những tác phẩm sánh ngang tầm điện ảnh thế giới trong một ngày không xa.
Làm sao vừa thỏa mãn được đam mê, vừa đề cao giá trị nghệ thuật, vừa đảm bảo doanh thu của phim, là yêu cầu khó thực thi một sớm một chiều. Có thể người ta nói tôi khờ, nhưng tôi tin mình lựa chọn đúng và theo đuổi nó đến cùng.