Lấy đề tài rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, trước khi ra rạp, kỳ thực Chappie không phải là bộ phim nhận được quá nhiều kỳ vọng từ khán giả lẫn giới phê bình.
Lý do rất đơn giản, ý tưởng về một bộ phim như thế đã xuất hiện dày đặc tại Hollywood trong suốt nhiều năm qua, liệu đạo diễn Neill Blomkamp có đủ sáng tạo để mang đến cho người xem một tác phẩm thực sự khác biệt, độc đáo về chú rô-bốt có tên Chappie này không?
Câu trả lời là có. Neill Blomkamp quả không hổ danh là người đã khiến toàn thế giới kinh ngạc với District 9 từ cách đây 6 năm. Dù bộ phim tiếp theo của anh là Elysium (2013) có phần hơi nhạt nhòa và thiếu sức nặng nhưng xét về tổng thể, phong độ làm phim của anh vẫn được giữ rất vững cho tới Chappie.
Chappie đã giúp Neill Blomkamp hoàn thành bộ ba tác phẩm thể hiện rõ rệt phong cách làm phim cá nhân đặc thù của mình: một chút tâm lý, một chút kỹ xảo, mạch phim chậm lúc đầu để làm nền cho những tình tiết dồn dập về sau, kết cục bất ngờ và đầy rẫy những câu hỏi còn để lại khiến người xem phải tự trả lời.
Chappie – chú rô-bốt trẻ con học làm người
Câu chuyện của Chappie kể về chú rô-bốt có mật danh Scout 22, vốn là một rô-bốt cảnh sát do kỹ sư trẻ Deon chế tạo ra. Khi Scout 22 bị hư hại trong một trận đánh, Deon định mang chú ta về để thử nghiệm chương trình trí tuệ nhân tạo do mình mới sáng chế ra. B
ất ngờ, ngay lúc Deon lén ban giám đốc đưa Scout 22 ra ngoài, anh bị một băng nhóm tội phạm chặn đầu và bắt cóc về hang ổ. Tại đây, Deon bị ép buộc phải làm cho chú rô bốt hoạt động và phục vụ cho mục đích ăn cướp của bọn chúng.
Deon tiến hành cài đặt trí tuệ nhân tạo vào người máy, đồng thời cảnh báo bọn cướp rằng khi tỉnh dậy, nó chỉ là một "cậu bé" không hơn không kém, cần phải được dạy dỗ và chăm sóc để trưởng thành. Bọn cướp đuổi Deon về, và từ đó người máy được đặt tên là Chappie.
Một mặt, Chappie học được tính cách dịu dàng, tươi tỉnh từ "người mẹ" Yolandi, mặt khác lại hấp thụ cá tính B.L của "người cha" Ninja và "người chú" Amerika. Bên cạnh đó, Deon cũng thường lén lút trở lại và tìm cách hướng thiện cho Chappie, giúp chú tránh xa được những phiền phức về cái ác trong xã hội.
Chappie được nuôi dưỡng trong một thế giới đậm màu sắc hippie nổi loạn
Cao trào dồn dập kéo đến khi Vincent, một kỹ sư cùng công ty với Deon, phát hiện ra bí mật của Deon. Hắn lén lút tìm bắt Chappie để lấy mã bảo vệ từ CPU của Chappie, rồi tìm cách phá hoại toàn bộ hệ thống người máy Scout trong thành phố.
Mục đích của Vincent là tạo ra sự hỗn loạn, từ đó cảnh sát sẽ "cấp phép" cho rô-bốt Moose, thành quả nghiên cứu của hắn, tham chiến. Xung đột ở nửa cuối của bộ phim không chỉ xoay quanh giữa việc đối đầu của phe thiện và phe ác, mà nó còn là câu trả lời cho việc liệu có nên chấp nhận sự tồn tại và phát triển trí tuệ nhân tạo trên người máy hay không.
Rô-bốt Chappie là một minh chứng rõ ràng, phù hợp về cái gọi là "nhân chi sơ tính bản thiện" (con người sinh ra vốn đã sẵn tốt đẹp) nhưng rồi bị ảnh hưởng bởi môi trường sống dẫn đến việc có lúc lạc lối. Dù vậy, ngay cả khi đã lỡ sa chân vào hố sâu, miễn là có cố gắng, dù là Chappie hay con người, vẫn có thể đào thoát ra được.
Phim của Neill Blomkamp không chỉ hấp dẫn về mặt câu chuyện với kết cấu chặt chẽ, ấn tượng mà còn ngồn ngộn những ý nghĩa ẩn chứa với nhiều tầng lớp cần được bóc tách qua từng phút phim. Dù thỉnh thoảng Neill Blomkamp cũng hơi quá đà trong cách xây dựng kịch tính nên chuyện phim có khi không được logic và có phần hơi gắt, dù vậy, đó vẫn là những chi tiết có thể bỏ qua được.
Mọi sự chú ý của phim đã dồn hết về cho Chappie, chú rô-bốt như một đứa trẻ và tờ giấy trắng lúc ban đầu, sẵn sàng mở lòng ra để được học hỏi và tận hưởng thể giới. Chappie là một biểu tưởng của lòng tin mạnh mẽ nhất, nhưng nó cũng là một lời cảnh bảo rõ rệt nhất về hậu quả của việc "làm xấu" đi một con người và đánh mất lòng tin của họ, nó sẽ gần như không bao giờ hồi phục lại được nếu không trả một cái giá khá đắt.
Dù có lúc trượt dốc, Chappie vẫn chỉ là một đứa trẻ có hướng thiện trở lại
Dàn diễn viên lạ mắt
Không chỉ có cách dẫn dắt bộ phim, phong cách casting của Neill Blomkamp cũng rất độc đáo. Anh sẵn sàng giao cho Huh Jackman vai Vincent, một ác nhân thực sự tàn nhẫn trong phim này. Hugh Jackman với gương mặt đã sẵn vẻ bặm trợn, dữ tợn hoàn toàn có thể làm chủ được vai ác này.
Tuy nhiên, một phần có lẽ vì câu chuyện bị chia làm hai tuyến, phần khác vì phải "chia sẻ" hào quang với một nhân vật bán phản diện khác ở phần đầu nên nhìn về tổng thể, Hugh Jackman có lẽ chưa thể hiện được hết khả năng của mình. Trường đoạn tà ác và tàn nhẫn nhất của Hugh Jackman là khi điều khiển rô-bốt Moose lại được đẩy đi khá nhanh với mạch phim hơi gắt, từ đó khiến những ai quá trông đợi vào anh có lẽ sẽ có một chút hụt hẫng.
Dev Patel, nam diễn viên từng đóng chính Triệu phú khu ổ chuột (2008) là người thủ vai nhà khoa học trẻ Deon. Dev Patel giờ đây đã chững chạc và già dặn hơn khá nhiều. Những phân cảnh thể hiện sự vui tươi, háo hức cũng những khi hồi hộp, run sợ, Dev Patel đều diễn rất ra.
Điểm yếu của anh là đôi khi hơi "làm quá" với cách diễn một màu, thiếu đi sự biến chuyển khiến người xem ngạc nhiên. Dù vậy thì vẫn không thể phủ nhận rằng Dev Patel là một diễn viên rất hợp vai, nhất là với một nhân vật có tạo hình và tính cách hơi lập dị như Deon.
Khốc liệt nhất trong phim là cành Chappie đối đầu với siêu rô-bốt Moose
Bên cạnh đó, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến Ninja và Yolandi, hai diễn viên đóng vai "bố" và "mẹ" của Chappie trong phim. Ninja và Yolandi vốn là hai rapper của một ban nhạc Nam Phi được đạo diễn ưu ái cho sử dụng cả tên thật của họ trong phim. Dù không chuyên nhưng cả hai, nhất là Yolandi, đều để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Yolandi với giọng nói mang trọng âm Nam Phi, ngoại hình độc đáo và tính cách khi dịu dàng, khi bốc lửa đã góp phần rất lớn trong việc khai thác cảm xúc của khán giả, đặc biệt là khi cô tương tác với Chappie. Riêng với Ninja, anh đã mang đến sự ngạc nhiên với hai chiều kích cảm xúc trái ngược nhau ở đầu phim và cuối phim, đây chắc chắn sẽ là một vai diễn mà khán giả khó lòng có thể quên được.
Nhiều khía cạnh thú vị khác
Neill Blomkamp vốn đã quen với phong cách quay phim có mang chút hơi hướm giả tài liệu nên những hình ảnh trong Chappie gần như không mang một chút dụng công, duy mỹ nào, bù lại chúng rất chân thật và thấm đẫm hơi thở đời sống. Cách tận dụng triệt để lối quay rung lắc ở một số trường đoạn là cách để Neill Blomkamp giúp người xem thực sự được sống trong không khí điện ảnh và cảm nhận bộ phim như thể mình chính là Chappie.
Hugh Jackman mang đến nhiều ngạc nhiên qua vai phản diện
Song song đó, phần âm nhạc đầy cảm xúc của Hans Zimmer cũng giúp bộ phim trở nên mượt mà, độc đáo và sâu sắc hơn. Những ai đã từng quen với kiểu phổ nhạc mang đậm sắc màu epic của Hans Zimmer hẳn sẽ rất thú vị khi thấy ông dụng nhạc hippie một cách rất thuần thục và điêu luyện trong phim này. Những bản nhạc mạnh mẽ, tinh quái và có phần hơi lấc cấc đã giúp đạo diễn Neill Blomkamp rất lớn trong việc vẽ nên một thế giới đa sắc màu, nơi Chappie được sinh ra.
Nhìn chung, Chappie hẳn sẽ là một bộ phim rất thành công cả về mặt thương mại lẫn phê bình chuyên môn. Sự tròn trịa của nó sẽ là dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của Neill Blomkamp, và cũng là một minh chứng rất vững chắc cho phong cách làm phim của vị đạo diễn này: kết hợp hài hòa giữa viễn tưởng và đời thực, bay bổng nhưng cũng vô cùng thực tế.
Chappie do Galaxy Distribution phát hành, dự kiến khởi chiếu tại các rạp chiếu trên toàn quốc từ 06.03.2014.